Mất mùa, rớt giá và vẫn khó tiêu thụ... Đó là tình cảnh của người dân vùng nhãn Hưng Yên năm nay, trong khi báo cáo của ngành chức năng thì vẫn là những kết quả khả quan.
Từ nhiều năm nay, việc tìm hướng đi để nhãn lồng "tiến vua" phát triển bền vững trên vùng đất Phố Hiến vẫn là nỗi mong đợi, trăn trở của các nhà vườn...
Theo người trồng nhãn Hưng Yên, vụ nhãn năm nay mất mùa lớn, lượng quả tươi tại nhiều vườn đều giảm từ 30-60%, có nơi mất đến hơn 80%, thậm chí mất trắng. Tuy nhiên, trên báo cáo của ngành nông nghiệp, sản lượng chẳng những không giảm, mà còn tăng hơn so với các năm trước.
Mất mùa ngoài vườn...
Thành phố Hưng Yên vốn là thủ phủ của nhãn lồng "tiến vua," với hơn 1.000ha tập trung nhiều ở các xã, phường như: Hồng Nam, Quảng Châu, Phương Chiểu, Tân Hưng, Hoàng Hanh, Lam Sơn...
Không ít các hợp tác xã và các hộ dân đều khẳng định, chưa bao giờ nhãn mất mùa và thất thu lớn như năm nay. Riêng Hồng Nam, là vùng trồng nhãn ngon nổi tiếng của cả tỉnh, nhưng theo bà con, đa số các vườn nhãn vụ này chỉ đạt từ 30-40% năng suất.
Ông Đặng Văn Xây, Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam cho biết, lượng quả ở nhiều vườn trung bình chỉ đạt 30%, dù rất sai hoa nhưng nhiều cây sau khi đậu quả bị rụng vãn.
Theo bà Trần Thị Bắc, Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam, nếu các năm trước với 15ha nhãn VietGap của Hợp tác xã thu được 300 tấn quả tươi, thì năm nay chỉ được khoảng 100 tấn.
Tương tự, tại Hợp tác xã nhãn lồng xã Quảng Châu, bà con cho hay: Năm ngoái tỷ lệ đậu quả đạt 80% với sản lượng 4.000 tấn; nhưng năm nay chỉ được 40% với 1.700 tấn, giảm hơn một nửa.
Các chủ vườn ở thành phố Hưng Yên cũng cho biết, riêng nhãn cổ ngon dạng đường phèn thì phần lớn là mất mùa vì đây là giống cây khó tính, "năm ăn quả, năm trả cành" là chuyện thường!
Ông Ngô Hùng Mạnh, Chủ tịch Hội Nhãn lồng Hưng Yên cho biết, năng suất nhãn của nhiều vườn ở thành phố Hưng Yên mà đạt trên 30% là còn khả quan; với huyện Phù Cừ quê ông và nhiều nơi khác còn thấp hơn, chưa đến 30%.
Theo một cán bộ ngành nông nghiệp cũng cho biết, gia đình có vườn nhãn ngon ở huyện Tiên Lữ, các năm trước thu 2-3 tấn, năm nay trơ cành, khi thuê người dọn cây nhặt nhạnh mãi không được nổi 1 tạ.
Khoái Châu là huyện có diện tích nhãn lớn nhất tỉnh với hơn 1.500ha, chủ yếu là nhãn muộn, tập trung ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ...
Trong nhiều năm lại đây, do đặc tính ra hoa đậu quả muộn, nhãn Khoái Châu luôn được mùa hơn các vùng trong tỉnh. Tuy nhiên năm nay, lượng quả ở nhiều vườn cũng chỉ đạt dưới 50%.
Ông Đỗ Bá Nghĩa và nhiều hộ dân xã Đông Kết cho biết, nhiều vườn nhãn trên địa bàn xã năng suất chỉ bằng 30% so với năm được mùa, vì thời tiết vụ này không mưa thuận gió hòa, nhất là với nhãn trà sớm và chính vụ.
[Người trồng nhãn ở Hưng Yên thất thu nặng nhất từ trước đến nay]
Điển hình là vườn có diện tích lớn của ông Đỗ Thế Đỗ, ở xóm Bắc, xã Đông Kết. Theo ông Đỗ, với hơn 5 mẫu đã cho thu hoạch, các năm trước ông thu được hơn 30 tấn quả, năm nay chỉ được không đến 20 tấn, giảm gần một nửa.
Do quả non gặp sương và mưa axit làm sâu đầu nên bị thối rụng hàng loạt. Nhiều hộ xung quanh cũng trong tình trạng tương tự.
Theo những chủ vườn có kinh nghiệm, nhãn vụ này mất mùa do thời điểm trổ hoa đậu quả gặp mưa axit kèm gió bấc nên bị thui. Nhiều cây dù đậu quả non nhưng gặp mưa nắng bất thường, đã rụng trơ cành.
Ông Phạm Xuân Khởi, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) chia sẻ, lượng nhãn giảm tập trung vào giống nhãn Miền Thiết; các giống T1, T2, T6 tỷ lệ ra hoa đậu quả thì cao, nhưng quả non gặp nước và mưa axit nên các chủ vườn dù có kinh nghiệm cũng đành bó tay chịu thua.
... nhưng sản lượng tăng trong báo cáo?
Trong khi người trồng nhãn than phiền năm nay mất mùa, thất thu thì một lãnh đạo ngành nông nghiệp Hưng Yên khẳng định: "Không bao giờ có chuyện mất mùa."
Báo cáo tại Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021 tổ chức ngày 15/7/2021 cho thấy, phần khái quát tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2021 của tỉnh cũng nêu rõ tình hình thời tiết không thật sự thuận lợi, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, báo cáo vẫn đưa ra con số diện tích cây nhãn toàn tỉnh đạt 4.800ha (diện tích cho thu hoạch 4.500ha), tỷ lệ ra hoa từ 98-99%, tỷ lệ đậu quả đạt 80-85%; sản lượng ước đạt 50-55 nghìn tấn, cao hơn năm 2020 từ 15-20%.
Khi nghe nói sản lượng ước hơn 50 nghìn tấn, một lãnh đạo tỉnh Hưng Yên từng gắn bó với ngành nông nghiệp (đã nghỉ hưu) lắc đầu nói: "Báo cáo đưa số liệu cũng nên 'liệu' sao cho vừa phải hợp lý, chứ đừng quá để dân kêu. Mà cán bộ chuyên ngành muốn nắm rõ sản lượng thì phải đi thực tế, cùng nông dân đi thăm vườn nhãn từ lúc ra hoa, đến khi đậu quả và thu hoạch..."
Một cựu lãnh đạo ngành nông nghiệp từng gắn bó với kỹ thuật trồng nhãn chia sẻ: "Sau nhiều năm khai thác quả liên tục, cây nhãn cần phải được tái tạo, chăm sóc, không thể ép cho ra quả nhiều mãi được. Mỗi cây chỉ cần tỷ lệ ra hoa đậu quả 60% là đạt, nhưng cứ muốn 90% rồi khai thác nhanh, ép cho sai quả thì chất lượng sẽ kém."
Bà Trần Thị Bắc và nhiều hộ trồng nhãn có kinh nghiệm ở thành phố Hưng Yên cho biết, dù thế nào thì thời tiết vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, chiếm 70% điều kiện quyết định để nhãn được mùa hay mất. Còn lại 30% là yếu tố kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc để quả nhãn đạt chất lượng ngon, mẫu mã đẹp.
Nhiều hộ dân ở các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Khoái Châu cũng khẳng định, do thời tiết không thuận nên năm nay nhãn mất mùa là điều đương nhiên.
Dù kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc tốt thế nào thì cây nhãn luôn phải phụ thuộc "muôn sự tại trời," người làm vườn phải "trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông gió...," chứ đâu phải cứ muốn sản lượng cao là được!
Theo các hộ trồng nhãn ở thành phố Hưng Yên, vụ năm nay nhãn rất sai hoa, đạt tỷ lệ trên 95%, tỷ lệ đậu quả cũng khá, nhưng gặp mưa nắng thất thường làm quả non bị thui và rụng như trút nên thất thu./.
Bài 2: "Lấy công làm lỗ!"