Từ việc “vẽ chơi” trên những chất liệu đơn giản của các họa sỹ thành danh từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, các nghệ sỹ đương đại Việt Nam đã tạo cho tranh con giáp một diện mạo mới, khác lạ. Trong những năm gần đây, dòng tranh này dần khẳng định được vị trí, tìm được chỗ đứng riêng trong đời sống, thị trường mỹ thuật.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với họa sỹ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng - một trong những nhà phê bình mỹ thuật hàng đầu Việt Nam hiện nay về hành trình tìm chỗ đứng cho dòng tranh này.
Từ chuyện vẽ chơi
- Dòng tranh con giáp xuất hiện trong đời sống hội họa hiện đại Việt Nam từ thời điểm nào, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Tranh con giáp xuất hiện trong đời sống mỹ thuật hiện đại Việt Nam muộn hơn so với nhiều dòng tranh khác. Có thể nói, từ sau năm 1954, các họa sỹ hiện đại Việt Nam bắt đầu vẽ tranh con giáp. Trước đó, công chúng thường biết tới tranh con giáp trong các dòng tranh dân gian (Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng…).
Ban đầu, tranh con giáp được thể hiện khá đơn giản. Các họa sỹ vẽ tranh con giáp không có hệ thống mà vẽ với mục đích “chơi chơi,” làm quà tặng cho người thân, bạn bè, không nghĩ đến chuyện mua-bán…
Ngoài ra, tranh con giáp xuất hiện ở một trạng thái khác. Các họa sỹ vẽ bìa hay vẽ minh họa cho những tờ báo Xuân, báo Tết và hình tượng con giáp của năm thường được lựa chọn.
- Vậy, những họa sỹ hiện đại đầu tiên đặt nền móng cho dòng tranh con giáp trong đời sống mỹ thuật hiện đại là ai, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Các tác giả thuộc thế hệ họa sỹ thành danh từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là những người đầu tiên theo đuổi dòng tranh con giáp.
Tên tuổi, sự nghiệp của cố danh họa Bùi Xuân Phái gắn liền với những tác phẩm về phố phường Hà Nội. Thế nhưng, cũng chưa nhiều người biết rằng, ông là một trong những họa sỹ đầu tiên khơi mở dòng tranh con giáp ở Việt Nam.
[‘Sắc dó và gốm Hương Canh’: Những sáng tạo từ chất liệu truyền thống]
Từ khoảng năm 1956-1957, họa sỹ Bùi Xuân Phái thường vẽ những tấm bưu thiếp có hình con giáp để tặng người thân, bạn bè mỗi dịp Tết đến. Ông không quá cầu kỳ chất liệu, màu sắc, coi chuyện vẽ tranh, bưu thiếp có hình con giáp là một niềm vui. Thời kỳ ấy, ông vẽ cả trên những tờ lịch cũ, mảnh bìa hay vỏ bao thuốc lá. Tranh con giáp của ông thể hiện sự tươi vui, hân hoan đón chào năm mới.
Cùng thế hệ với danh họa Bùi Xuân Phái còn có nhiều họa sỹ khác cũng vẽ tranh con giáp như Nguyễn Bích, Sỹ Ngọc… Tuy nhiên, người theo đuổi dòng tranh này bài bản, quy mô nhất và có những tác phẩm ấn tượng nhất là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.
Tranh của ông có sự tính toán kỹ lưỡng, phân chia rất rõ theo thập nhị chi, ngũ hành, thể hiện triết lý nhân sinh và bản sắc văn hóa Việt. Những con giáp trong tranh của ông biến hóa linh hoạt, khi dũng mãnh, lúc uyển chuyển, ngộ nghĩnh.
Tới tiếp cận thị trường
- Dòng chảy ấy được các họa sỹ thế hệ sau nối tiếp như thế nào, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Các họa sỹ thế hệ sau vẫn tiếp tục “giữ lửa,” nối dài truyền thống này cho đến hiện nay. Có thể nói, dòng chảy ấy khá liên tục từ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Bích, Nguyễn Tư Nghiêm tới Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Lê Trí Dũng… Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc vẽ tranh con giáp thu hút khá đông họa sỹ trẻ tham gia.
Các họa sỹ Việt đã hình thành nên một truyền thống vẽ tranh Tết, tranh con giáp. Trong khoảng 5, 6 năm trở lại đây, nhiều nhóm họa sỹ (như nhóm G39, Viet Art Now…) đều đặn tổ chức triển lãm tranh Tết, giới thiệu tới công chúng những tác phẩm vẽ con giáp của các họa sỹ đương đại.
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng dòng tranh vẽ con giáp của các họa sỹ Việt Nam đương đại?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Nhìn chung, số lượng và chất lượng tác phẩm ở những triển lãm sau đều tốt hơn triển lãm trước. Số lượng họa sỹ vẽ tranh con giáp ngày càng đông đảo với sức sáng tạo phong phú.
Các họa sỹ vẽ theo nhiều phong cách khác nhau (hiện thực, trừu tượng, biểu hiện…), chất liệu phong phú (sơn dầu, sơn mài, acrylic, sơn dầu và dó trên vải…). Đôi khi, chủ đề chung (con giáp) cũng chỉ là cái nền, cái cớ để họa sỹ gửi gắm những ý niệm riêng, thể hiện những tìm tòi, sáng tạo mới về tạo hình. Dấu ấn cá nhân của các họa sỹ được thể hiện rất rõ.
Đơn cử như với loạt tranh vẽ hình tượng Hợi - con giáp của năm 2019 mà các họa sỹ mới giới thiệu trong thời gian gần đây, người xem sẽ không khó để nhận ra ngôn ngữ hội họa đặc trưng của các họa sỹ. Ví dụ, dấu ấn của Thành Chương rất rõ hai bức “Lợn Mán,” “Tự họa năm Hợi” với những mảng màu nguyên, có sự tương phản rất mạnh, chất dân gian và đương đại hòa quyện nhau…
- Vậy, theo quan sát của ông, việc đón nhận dòng tranh vẽ con giáp nói riêng và tranh Tết nói chung của công chúng hiện nay thế nào?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Việc mua và treo tranh Tết vốn là một thú chơi, truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các gia đình đều mua tranh (các loại tranh dân gian) về lồng vào khung rồi treo lên với sự hân hoan, vui mừng. Tuy nhiên, đến nay, thú chơi, truyền thống ấy của người Việt đã mai một.
Tranh của các họa sỹ (tác phẩm độc lập) có mức giá cao hơn tranh dân gian (tranh in theo bản khắc gỗ) nên cũng chỉ một bộ phận công chúng (chủ yếu là thị dân, tầng lớp trung lưu) mới có điều kiện mua.
Ở góc độ khác, ta cũng cần ghi nhận sự nỗ lực của các họa sỹ trong việc tiếp cận thị trường. Với tranh con giáp, tranh Tết, các họa sỹ không vẽ những tác phẩm khổ lớn. Thay vào đó, họ thường vẽ tranh khổ nhỏ, hoặc khổ vừa (khoảng 80 x 100cm trở xuống) để phù hợp với điều kiện của công chúng yêu nghệ thuật nhưng chưa đủ khả năng mua những tác phẩm khổ lớn.
Ngoài ra, hiện nay, không phải cứ đến Tết thì họa sỹ mới vẽ tranh con giáp. Thời điểm nào, họ cũng có thể vẽ miễn là có khách mua hoặc sự hứng khởi nghệ sỹ.
- Trân trọng cảm ơn ông!