Ngày 8/9 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Paris, thay mặt Ban tổ chức Giải thưởng Thông tin đối ngoại 2021, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã trao giải Khuyến khích cho nhà sử học Alain Ruscio, chuyên gia về Lịch sử cận đại Việt Nam, với bài viết "Việt Nam năm 1945 mở đường phi thực dân hóa," xuất bản ngày 4/9/2020 trên nhật báo L'Humanité (Nhân đạo) phiên bản điện tử.
Lễ trao giải đã diễn ra trang trọng với sự hiện diện của đông đảo người thân, bạn bè của tác giả, cũng như các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên Việt Nam tại Pháp. Đặc biệt, đại diện báo Nhân dân sang Pháp tham dự Ngày hội Nhân đạo do báo L'Humanité tổ chức, cũng đã tới chia vui cùng ông Alain Ruscio.
Chia sẻ về bối cảnh ra đời của bài báo, nhà sử học Alain Ruscio cho biết năm 2020, ông đã đề xuất với báo L'Humanité một bài viết nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam.
Bài viết nhằm nhắc lại sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà với cả nước Pháp và toàn thế giới. Bài viết tóm tắt khái quát khoảng thời gian từ ngày 2/9/1945 đến khi chiến tranh bùng nổ vào tháng 11/1946 sau trận ném bom Hải Phòng, góp phần giúp độc giả của báo L'Humanité biết rõ hơn những sự kiện diễn ra ở thời điểm đó.
"Đối với tôi, giải thưởng là một vinh dự lớn. Tôi rất vui khi được bạn bè Việt Nam đánh giá cao công việc nghiên cứu của tôi. Tôi đã có 35 năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và thật tuyệt khi thấy rằng công việc của mình không chỉ được biết đến ở Pháp mà cả ở Việt Nam. Việc bài báo được nhiều người chú ý và nhận được giải thưởng là một điều tuyệt vời đối với tôi," ông Alain Ruscio chia sẻ.
Nhân dịp này, ông đã trao đổi và trả lời các câu hỏi của các bạn sinh viên Việt Nam tại Pháp về những vấn đề liên quan đến lịch sử Việt Nam trong các nghiên cứu của ông, với tư cách là một nhà sử học Pháp.
[Trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại cho nhà văn Séc]
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Đinh Toàn Thắng chúc mừng nhà sử học Alain Ruscio đã được nhận Giải thưởng Thông tin đối ngoại 2021.
Theo Đại sứ, đây không chỉ là phần thưởng cho bài báo mà cho cả sự nghiệp nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam trong suốt thời gian qua của ông. Sự kiện càng có ý nghĩa hơn vì tác giả là một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người có mối quan hệ gắn bó lâu đời với đất nước Việt Nam.
Trước khi trở thành nhà sử học, Alain Ruscio đã từng là phóng viên thường trú đầu tiên của tờ L'Humanité tại Hà Nội, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Ông đã nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo nổi tiếng khác của Việt Nam. Sau những cuộc gặp gỡ này, ông đã viết rất nhiều bài báo về Việt Nam.
Không chỉ là tác giả của một số nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Việt Nam, liên quan đến thời kỳ phi thực dân hóa, ông còn là một trong những nhà báo phương Tây đầu tiên chứng kiến cuộc tấn công của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam năm 1979. Hiện nay, ông vẫn là người nghiên cứu sâu và có nhiều bài báo hay về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ra đời năm 2014 theo sáng kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương, Giải thưởng Thông tin Đối ngoại được tổ chức hàng năm và dành cho các tác giả có các sản phẩm báo chí xuất sắc nhất giới thiệu tới công chúng nước ngoài về đất nước và con người Việt Nam, phản ánh những vấn đề thời sự, cũng như quảng bá vị thế và uy tín của nước này trong cộng đồng quốc tế.
Trong khuôn khổ Giải thưởng Thông tin đối ngoại năm 2021, ngoài nhà sử học Alain Ruscio, một nữ phóng viên của nhật báo Le Figaro, bà Marine Sanclemente, cũng nhận được giải Khuyến khích cho bài viết mang tựa đề "Bảy lý do nên đến khám phá Việt Nam khi điều kiện cho phép," đăng trên tờ báo này, ngày 1/7/2020.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Giải thưởng Thông tin đối ngoại quốc gia là một giải thưởng lớn có uy tín và cũng là một chính sách phù hợp để động viên cho báo chí và giới nghiên cứu, đặc biệt là ở nước ngoài, thúc đẩy thêm các bài báo và công trình nghiên cứu về Việt Nam.
Đại sứ khẳng định: "Giải thưởng lần này dành cho Alain Ruscio cũng là phần thưởng cho những nhà nghiên cứu cũng như các phóng viên báo chí tại Pháp đã có một thời gian và tiếp tục đang có những công trình nghiên cứu dành cho Việt Nam. Đây là một sự động viên kịp thời để các nhà báo, học giả Pháp tiếp tục có những bài báo, công trình nghiên cứu về Việt Nam, vừa để đóng góp nghiên cứu về lịch sử, nhưng đồng thời cũng đóng góp và tiếp tục xây dựng củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp hiện nay, hướng tới mối quan hệ chặt chẽ hơn, sự hợp tác đa dạng và hiệu quả hơn giữa hai nước thời gian tới"./.