Triển khai quyết liệt hơn các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cùng với các địa phương ven biển khác, Thanh Hóa cần quyết liệt hơn trong việc triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Bộ đội biên phòng đồn Hoằng Trường, Thanh Hóa phổ biến giáo dục pháp luật về khai thác IUU. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Chiều 21/3, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và tình hình phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sang kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU của Việt Nam vào quý 2/2022, qua đó sẽ đưa ra những khuyến cáo mới cho lộ trình gỡ "thẻ vàng" IUU của Việt Nam.

Vì thế, trước khi EC vào kiểm tra, cùng với các địa phương ven biển khác trong cả nước, Thanh Hóa cần quyết liệt hơn trong việc triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Thanh Hóa cần tăng cường tuyên truyền cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để hiểu rõ, nắm bắt và cam kết thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU.

Đồng thời, Thanh Hóa cần khẩn trương hoàn thiện, cập nhật lại cơ sở dữ liệu VMS đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên và thường xuyên rà soát, cập nhật chính xác số liệu lên phần mềm Vnfishbase khi có phát sinh dữ liệu tàu cá.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm hơn nữa đến bảo tồn biển trong phát triển thủy sản. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với tỉnh Thanh Hóa xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao để nhân rộng.

Thanh Hóa cũng cần khẩn trương xây dựng đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân làm cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bố trí vốn.

Đoàn công tác cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các tàu cá vi phạm để răn đe. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế hoạt động giữa các lực lượng liên quan để giám sát tốt hành trình hoạt động của các tàu cá cũng như ghi nhật ký nhật ký khai thác của ngư dân.

Thanh Hóa cũng cần tăng cường sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá, truy xuất nguồn gốc và nhật ký điện tử giúp quản lý hiệu quả việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định...

Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, hiện tỉnh này có 1.128/1.135 tàu cá đã kích hoạt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,4%, còn 7 tàu cá mới mua từ tỉnh ngoài về đang làm thủ tục chuyển vùng thiết bị trên hệ thống hoặc lắp đặt máy mới.

Thanh Hóa cũng đã cấp phép khai thác thủy sản cho 1.728/2.113 tàu cá, đạt tỷ lệ 81,8%, riêng giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi là 1.062/1.135 tàu.

Qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đa số ngư dân các địa phương ven biển ở Thanh Hóa đã chủ động thông báo trước khi cập/rời cảng cá cũng như chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản cũng như chấp hành tốt kiểm tra của các cơ quan chức năng…

Hiện Thanh Hóa có 8 cảng cá, 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được đầu tư và đang hoạt động trong đó có 3 cảng chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển về chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, đặc biệt là quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên 15m.

[Tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để sớm gỡ “thẻ vàng” về IUU]

Thanh Hóa cũng kiên quyết không cho các tàu cá đi hoạt động trên biển khi không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục giấy tờ theo quy định.

Năm 2021, Thanh Hóa đã xử lý 100 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền xử phạt là 729 triệu đồng; 3 tháng đầu năm 2022 đã xử lý 30 vụ với tổng tiền phạt là 252 triệu đồng.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cho Thanh Hóa 2 quy hoạch là Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Song song đó, triển khai thực hiện nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Hới, Lạch Bạng để đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I và các yêu cầu về hiện đại hóa trong công tác quản lý tàu cá tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão theo khuyến nghị của EC.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ giải bản, chuyển đổi tàu cá làm nghề lưới kéo, tàu cá khai thác ven bờ sang các nghề thân thiện với môi trường khai thác vùng khơi.

Đồng thời, tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét có biện pháp ổn định giá nhiên liệu hoặc có chính sách hỗ trợ nhiên liệu giúp ngư dân, chủ tàu yên tâm khai thác, vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trước khi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác đã đi kiểm tra các dự án chăn nuôi tại các huyện Thạch Thành và Ngọc Lặc kiểm tra việc triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU tại Cảng cá Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục