Triển khai y tế cơ sở tại Hà Tĩnh: Nhiều bước chuyển mình rõ rệt

Trong năm vừa qua, các cơ sở y tế Hà Tĩnh dù phải căng mình chống dịch COVID-19 nhưng Bộ Y tế vẫn quyết tâm đẩy mạnh đổi mới về công tác y tế cơ sở.
Người dân làm thủ tục khám bệnh tại một trạm y tế xã. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Việt Nam có gần 11.000 trạm y tế xã và ngành y tế xác định đây là “tấm lá chắn” đầu tiên của toàn bộ hệ thống y tế.

Trên thực tế, trạm y tế xã là điểm cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu: Khám chữa bệnh thông thường, dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, quản lý các bệnh không lây nhiễm… dựa trên nguyên lý y học gia đình.

[Anh cam kết hỗ trợ chiến lược kháng kháng sinh của Việt Nam]

Trong năm vừa qua, các cơ sở y tế dù phải căng mình chống dịch COVID-19 nhưng Bộ Y tế vẫn quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành.

Những bước chuyển mình

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc tại Hà Tĩnh về công tác y tế trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá sau 3 năm triển khai quyết định 2348, chất lượng y tế cơ sở của Hà Tĩnh đã có sự thay đổi rõ rệt, người dân đến khám chữa bệnh nhiều hơn, trang thiết bị y tế sử dụng hiệu quả hơn...

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng cùng đoàn công tác đã tới thăm và kiểm tra thực tiễn tại Trạm Y tế thị trấn Phố Châu và Trạm y tế xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Trực tiếp đi kiểm tra tại trạm y tế về việc lập hồ sơ, khám, quản lý sức khoẻ điện tử, khám, quản lý bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường hay phổi tắc nghẽn mãn tính…), Thứ trưởng Tuyên đánh giá cao sự chủ động của các trạm y tế xã, người dân dành niềm tin cho y tế cơ sở.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc tại Hà Tĩnh về công tác y tế cơ sở. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Trạm Y tế thị trấn Phố Châu, Điều dưỡng Lương Văn Hội - Trạm trưởng trạm y tế xã cho hay hiện tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khoảng 95%. Gần 90% người dân (khoảng 9.000 người) được lập hồ sơ quản lý sức khoẻ điện tử.

Việc liên thông hệ thống hồ sơ khám sức khoẻ của người dân trong toàn tỉnh giúp trạm y tế xã có thể kiểm tra số bệnh nhân đi khám bệnh không lây nhiễm ở tỉnh, ở huyện hay xã trong bất kỳ thời gian nào.

Hiện ở Trạm Y tế thị trấn Phố Châu đang quản lý khoảng 1.200 người bệnh tăng huyết áp. Theo điều tra ban đầu tại đây, có khoảng 32% người dân trên 40 tuổi (nhóm nguy cơ) mắc bệnh này. Người dân sau khi khám, phát hiện ban đầu tại xã sẽ được chuyển lên huyện khẳng định sau đó chuyển hồ sơ quản lý tại xã. Từ đó, người dân sẽ được khám, cấp phát thuốc ngay tại Trạm, thay vì phải lên tuyến y tế cao hơn.

Về bệnh đái tháo đường, hiện tuyến xã đang hoàn thiện hồ sơ để chuyển bệnh nhân về tuyến xã quản lý. Kết quả tầm soát người trên 40 tuổi với bệnh đái tháo đường hiện ở đây khoảng 7%, tương đương với tỷ lệ chung của cả nước.

Tại Trạm y tế xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) các bác sỹ khám chữa bệnh cho khoảng 6.600 người dân, quản lý 350 bệnh nhân tăng huyết áp. Mỗi tháng thường xuyên có 100 người dân nhận thuốc tại trạm y tế. Hương Sơn là nơi có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, giáp biên giới với nước bạn Lào.

Sắp xếp theo hướng tinh gọn

Hiện tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đạt hơn 88%; 98% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia giai đoạn 2011-2020; 90% trạm y tế có bác sỹ công tác; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh, y sỹ sản nhi và đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đặc biệt, đến nay đã có hơn 95% người dân ở Hà Tĩnh được tạo lập hồ sơ sức khỏe...

Toàn tỉnh đã có 110/216 trạm y tế thực hiện việc quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp và đái tháo đường). Năm 2020, sẽ triển khai nhân rộng mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm cho 216/216 (100%) trạm y tế trong toàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tỉnh Hà Tĩnh đã sắp xếp 262 trạm y tế xã phường, thị trấn thành 216 trạm (giảm 46 trạm). Đồng thời bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình và công tác y tế học đường cho trạm y tế.

Theo lãnh đạo sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 287 ngày 05/9/2019 về việc triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, thị xã cũng đã ban hành kế hoạch triển khai đề án đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

Các thành viên tham gia đoàn công tác cũng đã thảo luận và trao đổi một số nội dung liên quan đến việc thực hiện nghị quyết 20, 21; triển khai thực hiện công tác y tế cơ sở, việc kết nối liên thông khám sức khoẻ, hồ sơ sức khoẻ điện tử, quản lý bệnh không lây nhiễm, công tác dân số kế hoạch hoá gia đình...

Qua kiểm tra thực tiễn và lắng nghe các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng hệ thống các trạm y tế xã, với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị cơ bản đầy đủ; nhân lực có đủ về cơ cấu. Đặc biệt, các trạm này đều tiến hành tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; tiêm chủng mở rộng, quản lý thai sản và đã triển khai xây dựng hồ sơ quản lý sức khoẻ cá nhân, quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường...

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đặc biệt nhấn mạnh, sau 3 năm triển khai quyết định 2348, chất lượng y tế cơ sở của Hà Tĩnh đã có sự thay đổi rõ rệt, người dân đến khám chữa bệnh nhiều hơn, trang thiết bị y tế sử dụng hiệu quả hơn...

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục tập trung sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong công tác y tế dự phòng, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh công tác tiêm bù, tiêm vét để đảm bảo đạt kế hoạch chỉ tiêu tiêm chủng. Vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phòng chống các bệnh đã có vắcxin tiêm ngừa để tránh tình trạng lơ là dẫn đến tình trạng không mong muốn “dịch chồng dịch”. Bên cạnh đó, trong công tác chống dịch cần chú ý đến các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, dịch bệnh mùa hè...

Bộ Y tế sẽ khai trương phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian qua dù phải căng mình chống dịch COVID-19 nhưng Bộ Y tế vẫn quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… trong ngành, bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Sắp tới Bộ Y tế sẽ khai trương hai nền tảng là mạng lưới y tế Việt Nam và khai trương phần mềm điều hành điện tử tại 12.000 điểm trạm y tế xã. Trong đó, y tế Việt Nam là mạng kết nối hơn 500.000 cán bộ y tế trong cả nước nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, chuyên môn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay từ năm 2021, Bộ Y tế sẽ chính thức đưa vào sử dụng hơn 90 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân. Cũng trong năm 2021, Bộ Y tế sẽ thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không còn dùng giấy với khoảng 120 triệu lượt hồ sơ, trong số này có cả hồ sơ khám sức khoẻ giấy phép lái xe.

Tại 12.000 điểm trạm y tế xã sẽ điều hành bằng phần mềm điện tử với sự hỗ trợ của các nhà mạng. Như vậy, nếu như trước đây, mỗi trạm y tế xã có tối thiểu 38 cuốn sổ, thậm chí có nơi tới 72 cuốn thì tới đây sẽ không còn một cuốn sổ nào bởi sẽ sử dụng hệ thống điều hành chung, bao gồm cả tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục