“Hạnh phúc ngọt ngào” - 100 năm ảnh cưới Việt Nam là chủ đề của một cuộc triển lãm rất đặc biệt sẽ được khai mạc vào chiều tối 8/2/2014 tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, trong khuôn khổ lễ hội mừng Xuân Giáp Ngọ.
Hơn 130 tấm ảnh cưới Việt Nam từ năm 1919 cho tới nay sẽ được trưng bày tại triển lãm kéo dài trong vòng hai tháng. Triển lãm được tổ chức và dàn dựng bởi VINAPHUNU, một tổ chức phi chính phủ và độc lập của phụ nữ Việt Nam và dành cho phụ nữ Việt Nam ở Berlin
Trong bài viết giới thiệu triển lãm, chị Hoài Thu Loos, Chủ nhiệm VINAPHUNU, đồng thời cũng là người khởi thảo và trực tiếp thực hiện đề án này từ 23 năm qua, cho biết hiện diện trong triển lãm lần này là “những tấm ảnh gắn liền với thăng trầm của lịch sử Việt Nam mười thập niên qua”, trong đó, nhiều tấm “đã mờ vì bụi thời gian”, “đã phai lợt hay còn nguyên vẹn sắc màu rực rỡ.”
Ảnh được lựa chọn ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam, trong đó có những tấm ở chiến khu hay vùng tạm chiếm, ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn hay Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ nhân của chúng, có thể là các tiểu thư, công tử con nhà quyền quý, danh gia vọng tộc, nhưng cũng có thể là những anh bộ đội, những cô giáo, những bác sĩ, kỹ sư, diễn viên, nghệ sĩ, công nhân, sinh viên... trẻ trung, thanh tân.
Trên cái nền ấy, kèm những chú thích cặn kẽ cho từng tấm ảnh, triển lãm có tham vọng tái hiện trung thành những biến động của xã hội Việt Nam trong một thế kỷ qua, cũng như, đem lại cái nhìn tổng quan về xã hội, thời cuộc, lịch sử Việt Nam, trải dài từ những năm tháng khó khăn, nhọc nhằn, tao loạn cho đến thời kỳ hòa bình và tạm thời ấm no, đủ đầy.
Đồng thời, thông qua triển lãm, người thưởng ngoạn cũng có thể có ý niệm về thời trang, phục trang của xã hội Việt Nam qua từng năm tháng, thời kỳ, cũng như nhiều phong tục tập quán truyền thống được gìn giữ hay đã đổi thay theo dòng chảy biến thiên của đời sống, với biết bao còn mất, thịnh suy, ấm lạnh nhân tình...
Tựu trung, theo chị Hoài Thu Loos, đây là những tấm ảnh cưới “đã gìn giữ và làm vĩnh cửu những giờ phút trang trọng, thiêng liêng cũng như những khoảnh khắc ngọt ngào của mỗi đôi lứa.”.
Bên cạnh đó, triển lãm có tham vọng làm thức dậy kỷ niệm trong mỗi người, đọng lại trong ký ức sâu thẳm và “mang đến cho người thưởng ngoạn những cảm xúc ngọt ngào như chính tên gọi của nó”.
Chị Hoài Thu Loos cho biết, như những kỳ triển lãm khác của VINAPHNU, triển lãm ảnh cưới cũng đã được chuẩn bị từ 2-3 năm kể từ khi nảy ra ý tưởng.
Khó khăn lớn trong quá trình chuẩn bị là nhiều tấm ảnh chất lượng kém, mờ nhạt, đường nét không còn rõ ràng, kích cỡ khác nhau... đòi hỏi sự xử lý kỹ thuật và mỹ thuật phức tạp. Từ khâu thiết kế thiệp mời cho đến những việc cụ thể như trang trí phòng ốc, treo ảnh... đều cần thiết tới những bàn tay tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo, cũng như óc sáng tạo tinh tế.
Với mục tiêu thúc đẩy văn hóa và hội nhập, VINAPHUNU thành lập năm 1991 và hoạt động cho tới nay với sự tài trợ, ủng hộ liên tục và hữu hiệu của Chính quyền Tiểu bang Berlin, Bộ Phụ nữ.
Từ hơn 20 năm nay, tổ chức triển lãm kèm lễ hội Tết Nguyên đán cũng như các dịp lễ lớn luôn là thế mạnh và làm nên một diện mạo văn hóa, một điểm nhấn của VINAPHUNU. Đề tài các cuộc triển lãm rất phong phú (như tranh Đông Hồ, Hàng Trống, đèn lồng Hội An, sơn mài Việt Nam, tranh ảnh của các họa sĩ, nhiếp ảnh gia Việt Nam, nhạc cụ dân tộc...).
Cũng trong những dịp này, VINAPHUNU đã tổ chức biểu diễn và giới thiệu một cách chọn lọc, nghiêm túc các loại hình nghệ thuật Việt Nam như chèo, tuồng, cải lương, quan họ, hầu bóng, đàn bầu, đàn tranh, múa sạp... không chỉ thu hút sự chú ý của khán giả người Việt, mà còn rất hấp dẫn đối với đông đảo bạn hữu nước ngoài.
Thông thường, sản phẩm trong các cuộc cuộc triển lãm được bán lấy doanh thu cho các hoạt động từ thiện trong và ngoài nước.
Nhân triển lãm ảnh cưới Việt Nam, VINAPHUNU cũng đã tặng đài, máy giặt cũng như kêu gọi quyên góp để giúp hỗ trợ kinh phí cho dự án thành lập tủ sách chữ nổi cho các học sinh khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội./.