Triển lãm “Hương lụa”: Cuộc đối thoại giữa lụa và nữ họa sỹ 8X

Trung thành với chất liệu lụa Việt Nam, họa sỹ trẻ đưa những tác phẩm đầy nữ tính trên lụa tơ tằm miền Bắc vào cho người yêu nghệ thuật phía Nam trong triển lãm mới nhất của mình.
Triển lãm “Hương lụa”: Cuộc đối thoại giữa lụa và nữ họa sỹ 8X ảnh 1Họa sỹ Nguyễn Thu Hương. (Ảnh: NVCC)

Họa sỹ trẻ Nguyễn Thu Hương vừa “trình làng” 25 tác phẩm của mình trong triển lãm “Hương lụa” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể coi đây là sự nối dài cho chuỗi trưng bày tranh trước đó của chị mang tên “Lụa của Hương” - dành cho khán giả Hà Nội.

“Hương lụa” hiện đang diễn ra tại Huyền Art House, số 8A Đặng Tất, phường Tân Định, quận 1 kể từ ngày 7/5 đến hết ngày 21/5.

Nguyễn Thu Hương là họa sỹ trẻ thuộc thế hệ 8x, sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Năm 2012, chị tốt nghiệp thạc sỹ Mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, gia nhập Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Kể từ 2007, Hương đã tham gia khoảng 10 triển lãm nhóm, đạt các giải thưởng cho họa sỹ trẻ như Bienale Mỹ, Triển lãm mỹ thuật khu vực I của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm “Hương lụa”: Cuộc đối thoại giữa lụa và nữ họa sỹ 8X ảnh 2Nguyễn Thu Hương là số ít các họa sỹ chọn lụa để đối thoại với nghệ thuật. (Ảnh: NVCC)

Tranh lụa Việt Nam từng ghi dấu trên trường quốc tế qua các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Tôn Thất Đào hay Lương Xuân Nhị… Trong nước, Nguyễn Thu Hương là một trong số ít nghệ sỹ trẻ chọn lụa để đối thoại với nghệ thuật, chia sẻ những tâm tư, cảm hứng của mình.

Chính chất liệu lụa, đặc biệt là lụa từ làng nghề tại Duy Tiên (Hà Nam), đã giúp nữ họa sỹ trẻ điều chỉnh được suy nghĩ của mình. “Lụa giúp tôi tĩnh tâm, điều phối cảm xúc của tôi rất tốt khi vẽ. Điều đó giúp tôi luôn suy nghĩ tích cực trong cuộc sống, nghĩ về những ưu điểm của nhân vật trong tranh.”

Các tác phẩm của Nguyễn Thị Hương luôn tập trung vào khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Dù lụa mềm mại và mỏng manh nhưng Hương không cho rằng đây là chất liệu mang tính nữ. “Lụa có thể cho thấy sự khỏe khoắn, dữ dội, nên không mang riêng tính nam hay tính nữ nào cả. Điều đó phụ thuộc vào ngôn ngữ tạo hình trên tác phẩm,” nữ hoạ sỹ chia sẻ.

Triển lãm “Hương lụa”: Cuộc đối thoại giữa lụa và nữ họa sỹ 8X ảnh 3Tranh của Nguyễn Thu Hương được kỳ vọng sẽ góp phần vào cuộc cách tân tranh lụa tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Họa sỹ Mai Long từng nhận định vẽ tranh lụa có nhiều cái khó. Tranh lụa yêu cầu nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật xử lý chất liệu đặc thù và cầu kỳ như quét nước cơm, ngâm lụa, vắt hồ…

Nhiều họa sỹ trẻ và lớn tuổi đều chọn sơn dầu và toan để vẽ, nhưng đối với Hương, sự kết hợp lụa-màu nước không hề lép vế trước hai chất liệu phổ biến kia. “Lụa mang đến những nét vẽ mềm mại, huyền ảo, những thớ lụa có thể thấy rõ cũng chính là một thế mạnh của chất liệu này,” chị cho hay.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng tranh của Nguyễn Thu Hương đã tạo được “độ rung” ở đa dạng phong cách từ lập thể đến trừu tượng, biểu tượng. Trong bối cảnh Việt Nam có ít triển lãm cá nhân tranh lụa, nhà nghiên cứu cho rằng các tác phẩm của Hương có thể góp phần vào hy vọng chung trong công cuộc cách tân tranh lụa Việt Nam.

Chiêm ngưỡng một số tác phẩm của Nguyễn Thu Hương:

Triển lãm “Hương lụa”: Cuộc đối thoại giữa lụa và nữ họa sỹ 8X ảnh 4(Ảnh: NVCC)
Triển lãm “Hương lụa”: Cuộc đối thoại giữa lụa và nữ họa sỹ 8X ảnh 5(Ảnh: NVCC)
Triển lãm “Hương lụa”: Cuộc đối thoại giữa lụa và nữ họa sỹ 8X ảnh 6(Ảnh: NVCC)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục