Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Cơ sở lọc dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cơ sở lọc dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) một lần nữa gia hạn cắt giảm sản lượng dầu trong tháng này.

Quyết định đó không bất ngờ và khác với những thông báo về chính sách sản xuất trước đây của OPEC, nó có tác động lên giá dầu như mong muốn.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo điều này sẽ không có tác dụng kéo dài. Đã đến lúc OPEC phải sớm đưa ra quyết định.

Năm ngoái, các nhà giao dịch dầu hầu như chỉ tập trung vào nhu cầu và các mối đe dọa từ đó, đặc biệt là ở Trung Quốc. Năm nay, họ bắt đầu hiểu rằng việc giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong khi nhu cầu toàn cầu thực sự tăng lên sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới nguồn cung vào thời điểm nào đó. Giá dầu vẫn đang trên đà tăng.

Đúng là một số thành viên OPEC+ đã sản xuất nhiều hơn hạn ngạch được giao và họ đã được yêu cầu phải thực hiện các bước để bù đắp - thường có nghĩa các nước phải tạm thời cắt giảm sản lượng sâu hơn.

Nhưng có vẻ việc sản xuất quá mức cùng sản lượng ngày càng tăng của các nước được miễn hạn ngạch gồm Iran, Venezuela và Libya đã không ảnh hưởng mục đích của kế hoạch cắt giảm chung. Tuy nhiên, những điều này không thể tiếp tục mãi mãi.

Trong vài tháng qua, một số nhà phân tích đã lưu ý rằng OPEC+ sẽ phải bắt đầu dỡ bỏ kế hoạch cắt giảm vào một thời điểm nào đó, đặc biệt nếu dầu Brent đạt mức 100 USD/thùng. Lập luận của họ là tại thời điểm đó, giá sẽ bắt đầu phá hủy nhu cầu như thường lệ.

Tuy nhiên, ông Robin Mills, Giám đốc Điều hành của Công ty Tư vấn Qamar Energy, cho biết OPEC+ có thể quyết định tiếp tục cắt giảm cho đến khi dầu vượt quá 100 USD/thùng.

Ông Mills cho rằng việc tiếp tục cắt giảm là một trong hai con đường phía trước của OPEC.

Hậu quả của con đường này có thể lường trước, chẳng hạn như lạm phát tăng vọt cùng sản lượng ở Mỹ cao hơn.

ttxvn_1004_san luong dau (2).jpg
Một cơ sở khai thác dầu tại Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Con đường khác theo mô tả của ông Mills là khi OPEC tin tưởng vào dự báo nhu cầu mạnh mẽ của chính mình và dỡ bỏ kế hoạch hạn chế sản lượng cắt giảm. Đây cũng là một lựa chọn khả thi.

Tuy nhiên, có thể xuất hiện lập luận rằng việc tiếp tục cắt giảm sản lượng cũng là một dấu hiệu cho thấy OPEC tin vào kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ của họ: nếu nhu cầu vẫn vững chắc và có xu hướng mở rộng, nó sẽ mở rộng ngay cả trong môi trường giá cao.Đây chính xác là những gì đã xảy ra vào năm 2022 khi xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng và duy trì ở đó đủ lâu để đưa mức giá trung bình hàng năm đạt gần 95 USD/thùng.

Nhu cầu trong năm giá dầu cao chóng mặt đó vẫn tăng hơn 2,5 triệu thùng mỗi ngày. Và đó là trước khi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc bùng nổ trở lại sau đại dịch, vì lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 chỉ kết thúc vào cuối năm 2022.

Do đó, mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

OPEC dự kiến nhu cầu dầu trong năm 2024 sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày. Với việc khối này giữ nguyên kế hoạch hạ sản lượng, tốc độ tăng trưởng nhu cầu đó chắc chắn sẽ đẩy thị trường toàn cầu vào tình trạng thâm hụt.

Các ước tính về quy mô thâm hụt này khác nhau, trong đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận thấy mức thâm hụt “nhẹ” do việc cắt giảm của OPEC+ và nhu cầu mạnh hơn do tình hình Biển Đỏ.

Tuy nhiên, chuyên gia Mills của Qamar Energy nhận thấy mức thâm hụt có thể lên tới 4 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Nếu điều này xảy ra, sẽ không có gì dễ dàng hơn đối với OPEC ngoài việc tuyên bố chấm dứt cắt giảm, hoặc ít nhất là điều chỉnh kế hoạch để giá sụt giảm quá mức.

Môi trường thâm hụt nguồn cung cũng sẽ là thời điểm tốt nhất để thực hiện những điều chỉnh này: Khi giá cao và nhu cầu mạnh, tác động của một thông báo như vậy đối với giá dầu sẽ được hạn chế phần nào bởi các yếu tố cơ bản của thị trường.

Dù sao thì việc cắt giảm không thể tiếp tục mãi mãi, nhất là khi một số thành viên OPEC đã phản đối hạn ngạch từ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.