Tuần qua, giá dầu thế giới có lúc đã vọt lên mức đỉnh của năm nay, trước những thông tin nguồn cung sẽ thắt chặt hơn.
Tuy nhiên, mối lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” đã kéo lùi đà tăng của giá mặt hàng này trong phiên cuối tuần.
Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent giảm 0,2%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 0,8% so với tuần giao dịch trước.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô Brent tăng lên 67,54 USD/thùng, tiến gần đến mức cao nhất trong năm nay là 68,14 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI lên mức 59,09 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong bốn tháng là 59,23 USD/thùng, trước khả năng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng, trong khi lượng dầu dự trữ của Mỹ có dấu hiệu sụt giảm.
[Giá dầu thế giới giảm gần 1% song vẫn sát mức cao của năm nay]
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu hàng đầu OPEC, đã phát đi tín hiệu rằng OPEC+ có thể sẽ cần phải kéo dài việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày sang nửa cuối năm 2019.
Trong khi đó, các dấu hiệu cho thấy lượng dầu thô dự trữ tại kho Cushing, Oklahoma của Mỹ, đang trên đà giảm cũng phần nào hỗ trợ giá dầu trong phiên này. Cụ thể, theo số liệu của công ty Genscape, lượng dầu dự trữ tại Cushing đã giảm 1,08 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3.
"Vàng đen" tiếp tục neo gần ngưỡng cao này trong phiên tiếp theo. Ngoài khả năng OPEC+ kéo dài thời hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, một yếu tố nữa hỗ trợ giá dầu là việc Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API) công bố dữ liệu cho hay dự trữ dầu thô của nước này giảm 2,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3, xuống 446,8 triệu thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) vượt ngưỡng 60 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20/3, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã bất ngờ giảm 9,6 triệu thùng, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng Bảy năm ngoái, trong tuần trước đó, do xuất khẩu và nhu cầu lọc dầu khá cao. Tuy vậy, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phiên 21/3, giá dầu thô Brent đã có lúc chạm mức cao nhất trong bốn tháng là 68,69 USD/thùng và WTI lên mức đỉnh của năm 2019 là 60,39 USD/thùng. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/3, giá dầu thế giới đã rời khỏi các mức cao này.
Tuy vậy, tâm lý của thị trường vẫn chịu tác động từ việc nguồn cung giảm sút và dự trữ thu hẹp. Thống kê cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC đã giảm từ mức đỉnh 32,8 triệu thùng/ngày hồi giữa năm 2018 xuống 30,7 triệu thùng/ngày trong tháng Hai vừa qua.
Giá dầu thô khép lại phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/3 với mức giảm 1,2% đối với dầu thô Brent và 1,6% đối với dầu thô WTI so với phiên trước, do đàm phán thương mại Mỹ-Trung thiếu bước tiến triển mới, cộng thêm việc kinh tế thế giới có thêm các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ các nền kinh tế lớn ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đã khiến giới giao dịch lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ “vàng đen.”
Theo một cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành, ba trong số bốn công ty của Nhật Bản cho rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài ít nhất cho đến cuối năm nay. Giá dầu thô Brent và WTI chốt tuần này lần lượt ở mức 67,30 USD/thùng và 59,04 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng gần 1/3 trong năm nay, nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ và các nước đồng minh, trong đó có Nga, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại kéo dài suốt tám tháng qua giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng tới các thị trường vốn đã bị bao trùm bởi những lo ngại về những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có khả năng chậm lại trong năm nay.
Trong khi đó, hiện đang có những dấu hiệu trái chiều về việc liệu bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sớm được hóa giải hay không./.