Triển vọng kém sáng của kinh tế Nhật Bản trong năm 2020

GDP thực tế của kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 0,49% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2020, sẽ là năm tăng trưởng tồi tệ thứ 2 được ghi nhận chỉ trong 6 năm qua.
Triển vọng kém sáng của kinh tế Nhật Bản trong năm 2020 ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng ở Tokyo của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 0,49% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2020, theo ước tính trung bình của 35 nhà kinh tế chuyên về lĩnh vực tư nhân thuộc Trung tâm Dự báo nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản.

Nếu điều này trở thành sự thật, đây là sẽ là năm tăng trưởng tồi tệ thứ 2 được ghi nhận chỉ trong 6 năm qua.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là chính sách tăng thuế tiêu dùng, kết hợp với đà tăng trưởng ì ạch của kinh tế toàn cầu, đang tác động tiêu cực đến hoạt động chi tiêu và xuất khẩu của nước này.

Các số liệu kinh tế đã cho thấy động thái tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% của Tokyo vào ngày 1/10/2019 đang tác động đến tiêu dùng tư nhân.

[Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản bi quan về triển vọng kinh tế]

Theo đó, chi tiêu hộ gia đình trong tháng 10/2019 đã giảm lần đầu tiên trong 11 tháng, trong khi doanh số bán lẻ trong cùng kỳ cũng ghi nhận mức giảm hàng năm lớn nhất của hơn bốn năm.

Shunsuke Kobayashi - một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Daiwa - cho biết, động thái nâng thuế tiêu dùng dự kiến sẽ làm tăng gánh nặng thuế của các hộ gia đình Nhật Bản thêm khoảng 2.000 tỷ yen trong năm tài khóa 2020.

Bên cạnh những vấn đề nội tại, các chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể sẽ tiếp tục là yếu tố kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Xứ hoa anh đào, nếu Tổng thống Donald Trump chọn cách đẩy mạnh chính sách kinh tế "Nước Mỹ trước tiên" của mình.

Ngoài ra, xuất khẩu - một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản - dự kiến sẽ bị khuất phục sau khi giảm tháng thứ 12 liên tiếp tính đến tháng 11/2019. Điều này phản ánh sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có việc các lô hàng phụ tùng ôtô và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc - nước mua hàng lớn nhất của Nhật Bản - sụt giảm.

Mặc dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng gói kích thích kinh tế trị giá 26.000 tỷ yen (khoảng 237 tỷ USD) mà Chính phủ Nhật Bản vừa công bố hồi tháng 12/2019, cùng các khoản chi tiêu đến từ du lịch liên quan tới Thế vận hội Olympics và Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) tại Tokyo, sẽ là những yếu tố giúp củng cố nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong giai đoạn khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.