Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Việt Nam “đang tưng bừng đón cỗ xe toàn cầu hóa.”
Việc tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường rộng lớn mà những hiệp định hợp tác quốc tế mang lại. Cùng với đó là sự phát triển như vũ bão của số hóa và “làn sóng” đầu tư dịch chuyển.
Rộng cửa vào các thị trường lớn
Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19, tất cả các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam (nền kinh tế có độ mở lớn) đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng khả quan, với mức nhập siêu trong 10 tháng đạt trên 20 tỷ USD.
Điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội tận dụng hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với quy mô 500 triệu người, GDP trên 10.500 tỷ USD, tương ứng 13,5% GDP toàn cầu, đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu cũng như hợp tác đầu tư.
Tương tự, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), một thị trường cũng có quy mô tương đương và chiếm 22% GDP toàn cầu và mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 5 nước đối tác. Khi RCEP được thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận một thị trường tự do thương mại lớn nhất trên thế giới có quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD.
Bài 1: Kinh tế Việt Nam: Qua biến cố thể hiện "bản lĩnh" thích nghi
Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, dịch COVID-19 xảy ra khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam đứng trước những thế và tư tưởng phát triển mới, như lối sống, cách sống, cách phát triển bền vững và bao trùm, thế giới số, xã hội số, nền kinh tế số ....
“Ngay trong bão dịch, càng nhận ra những dấu hiệu của quá trình đó. Có cả cơ hội và sự sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, đó là việc chuyển đổi sản phẩm cho phù hợp với những đòi hỏi mới của thị trường. Phương thức kinh doanh cũng đổi mới, kinh tế số và thương mại điện tử lên ngôi. Cùng bới đó, cách tiếp thị, gắn kết giữa các đối tác, thị trường cũng có sự dịch chuyển đáng kể,” ông Thành nói.
Để đón bắt những cơ hội mà các hiệp định thế hệ mới mang lại, ông Thành cho rằng các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị-mạng sản xuất toàn cầu dựa trên kết nối, từ đó lựa chọn đối tác hiệu quả và “cùng thành công.”
Sự trỗi dậy của “kinh tế Internet”
Kinh tế Internet là trong những cơ hội mới và được giới chuyên gia dự báo sẽ là tế mạnh của Việt Nam trong tương lai. Theo Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., nền kinh tế Internet Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực và đạt quy mô 14 tỷ USD trong năm 2020, tăng 16% so với năm 2019. Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế Internet khu vực ASEAN đạt 300 tỷ USD và Việt Nam là khoảng 43 tỷ USD.
Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ-ASEAN: “Kinh tế Internet là một điểm sáng trong ‘bức tranh đại dịch tối tăm’, trong đó Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 5% trong khu vực ASEAN. Cụ thể, các nhóm hàng tăng trưởng mạnh liên quan đến thương mại điện tử, như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm. Bên cạnh đó, những mảng như cho vay hay dịch vụ giáo dục, giải trí, nội dung số cũng tăng mạnh,” ông Thành chỉ ra.
Phân tích thêm, với quy mô 14 tỷ USD, ông Thành cho rằng nền kinh tế Internet Việt Nam đang ở mức ngang bằng với Thái Lan và sau Indonesia.
“Nhìn sâu vào bức tranh này sẽ thấy lượng khách hàng tăng đột biến từ 30%-50%, đây là con số mà các ngành kinh doanh mơ ước,” ông Thành nói.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và đặt trọng tâm thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh. Mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử từ doanh nghiệp đến khách hàng tiêu dùng trực tuyến tăng 25%, tương ứng 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo đánh giá chung từ các chuyên gia kinh tế, nếu đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, các hoạt động giao dịch thương mại sẽ còn tăng “nóng” với các nhóm ngành gọi xe điện tử, giao nhận, vận chuyển, tài chính ngân hàng...
Ông Thành cũng cho hay Việt Nam cũng có sự tăng trưởng ấn tượng đứng đầu khu vực trong lĩnh vực dịch vụ tài chính số, mà cụ thể là ứng dụng Internet trong ngân hàng.
“Dự báo trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ hướng trọng tâm tới các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ phát triển hạ tầng, năng lượng… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Do đó,Việt Nam cần tận dụng hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình sắp xếp lại cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tập trung đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử đang ‘thắp sáng bức tranh kinh tế’ hiện nay,” ông Vũ Tú Thành nói.
Trên cơ sở đó, trong Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử theo hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng-B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vị tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tạo cơ chế đón “đại bàng”
Để tận dụng những cơ hội từ hội nhập, bên cạnh nguồn lực trong nước thì dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Hiện Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn FDI dịch chuyển đồng thời tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) chỉ ra nút thắt lớn nhất với Việt Nam là chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến-chế tạo cũng đang đi sau so với các quốc trong khu vực.
Đồng tình với quan điểm trên, song với tư cách là nhà đầu tư-ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty cổ phần Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam cho rằng Việt Nam cần có những chính sách phù hợp nhằm thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp cận các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới.
Theo ông Bắc, Việt Nam có đón được ‘đại bàng’ hay không phụ thuộc nhiều vào cơ chế và thể chế” và nếu không thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam khó có thể ‘xoay chuyển càn khôn,’ bởi nền tảng công nghệ xuất phát từ thế giới.
Là một doanh nhân Canada gốc Việt, ông Bắc cũng nhấn mạnh rằng vốn FDI vào Việt Nam gồm có dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài và dòng vốn của bà con Việt kiều đang đầu tư về nước.
“Các chính sách đưa ra cần phải được thông thoáng từ cấp trung ương đến địa phương. Thêm vào đó, các chính sách của Nhà nước và địa phương phải có sự phân tích cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp thực thi tham gia vào quá trình đầu tư. Muốn đất nước phát triển cần huy động các nguồn lực, mà thể chế và luật pháp là quan trọng nhất, không thể ‘sáng nắng, chiều mưa’,” ông Bắc nói.
Ở một khía cạnh khác, ông Minh Anh cũng lưu ý hội nhập sâu rộng một mặt mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa song cũng có nhiều mặt trái cần được quan tâm. Như sự bất bình đẳng về thu nhập, phát triển không đồng đều giữa các quốc gia và quyền của người lao động bị xâm phạm hay môi trường bị hủy diệt khi biến đổi khí hậu hoặc tài nguyên bị khai thác cạn kiệt./.
Bài 3: Không để doanh nghiệp rơi vào cảnh “chết lâm sàng”