Khoảng 30 bức tranh của hai họa sỹ (Thành Phong, Hữu Khoa) được giới thiệu tới công chúng Thủ đô tại triển lãm “Thương nhớ thời bao cấp.” Chương trình diễn ra từ ngày 16-31/8 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội).
Những tác phẩm này được trích từ cuốn sách tranh “Thương nhớ thời bao cấp” (do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành).
Nhiều câu nói mang dáng dấp những câu ca dao, thành ngữ, quán ngữ, những khúc đồng dao về thời bao cấp trở nên sinh động hơn qua tranh minh họa của Thành Phong và Hữu Khoa.
Triển lãm sẽ giúp những ai từng sống qua giai đoạn lịch sử đó ôn lại kỷ niệm về một thời đã xa khi gặp lại những câu nói “cửa miệng,” lời ca vần vè miêu tả hiện thực đời sống như: “Đẹp trai thì mặc đẹp trai/ Cơ quan không tiếp tóc dài, quần loe” (giễu nhại việc phản ứng cứng nhắc trước trào lưu để tóc dài, mặc quần loe của một bộ phận thanh niên), “Đầu đội áp suất/ Chân đi bàn là/ Trông xa cứ tưởng là ma/ Lại gần thì hóa đi Nga mới về” (miêu tả một người đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô (cũ) mang về những đồ gia dụng)…
Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cũng được miêu tả sinh động qua loạt tranh minh họa những câu nói như: “Canh quốc dân,” “Phở không người lái”…
[“Chuyện ngõ nghèo” và cuộc sống ở Hà Nội trong thời bao cấp]
“Triển lãm lần này và cuốn sách ‘Thương nhớ thời bao cấp’ sẽ giúp bạn những bạn trẻ không sống qua những năm tháng ấy ‘ôn cũ’ để ‘hiểu mới’ một cách hài hước, thâm thúy,” đại diện ban tổ chức cho biết.
“Nhiều đêm, tôi miên man nhớ lại, nhớ và cười thầm những chuyện kỳ cục, vừa khô cằn, bảo thủ vừa ấu trí, ngờ nghệch đến đáng thương của thời bao cấp. Khổ ải nhiều, buồn thương nhiều, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những chuyện buồn cười - đó là thời bao cấp. Song, đúng như cuốn sách thể hiện, con người thời ấy ‘đề kháng’ với nỗi khổ không phải bằng sự oán thán, lời kêu ca mà bằng thái độ tự trào. Tự trào đã trở thành một phần sức mạnh giúp chúng tôi tồn tại, vượt qua những khó khăn, trì trệ để đến với thời kỳ Đổi mới,” nhà văn Bảo Ninh chia sẻ./.