Triển lãm bản đồ, tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Trưng bày bản đồ, tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý,” khai mạc ngày 9/9, tại thành phố Đà Lạt.
Trưng bày bản đồ, tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ảnh 1Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Hoàng Kha-Đặng Tuấn/Vietnam+)

Ngày 9/9, tại Khu Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý.”

Tại triển lãm, lần đầu tiên Trung tâm lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt trưng bày mộc bản triều Nguyễn - đây là Di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận từ năm 2007, là kho báu của Việt Nam và cả thế giới.

Bộ mộc bản triều Nguyễn được biên soạn suốt gần một thế kỷ từ những năm đầu triều vua Gia Long (năm 1802) cho đến năm Đồng Khánh thứ ba (năm 1888) mới hoàn thành, trong đó rất nhiều đoạn viết về hoạt động của các triều đại nước ta trước đó khẳng định chủ quyền của nhà Nguyễn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Triển lãm cũng trưng bày nhiều thư tịch cổ, bản đồ, các bộ Atlas do các nước xuất bản ở nhiều giai đoạn lịch sử; trong đó đáng chú ý có 4 cuốn Atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933).

Các Atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó.

Các bản đồ này được lập chi tiết từng tỉnh, thể hiện rõ con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Cương giới cực nam của Trung Quốc trong các Atlas này chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều đó chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các Atlas này vào năm 1908 và sau này Chính quyền Trung Hoa dân quốc tái bản vào các năm 1917, 1919 và 1933, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc” như họ vẫn tuyên bố hiện nay.

Triển lãm cũng trưng bày hàng trăm tài liệu, tư liệu, ấn phẩm quý hiếm của các triều đại Nhà nước phong kiến Việt Nam, chính quyền Việt Nam cộng hòa, của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các nhà nghiên cứu phương Tây, các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ xưa đến nay thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Triển lãm diễn ra đến ngày 13/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục