Trưng bày hiện vật từ 9 tàu cổ đắm trên vùng biển Việt Nam

Theo Giám đốc Công ty đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương, khám phá, thưởng ngoạn cổ vật từ các tàu đắm là cuộc du ngoạn về quá khứ để hình dung lại một thời vang bóng của “con đường gốm sứ trên biển."

Ngày 19/6, tại Nhà trưng bày Di sản văn hóa vật thể thuộc Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương trưng bày hiện vật từ 9 con tàu cổ đắm trên vùng biển Việt Nam.

Đây là những hiện vật đặc sắc được khai quật, đấu giá và sưu tầm từ các con tàu cổ bị đắm.

Ông Đoàn Sung, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương, cho biết mỗi con tàu đều có những nét đặc trưng riêng từ cách tiếp cận khảo sát, khai quật và sưu tầm, khẳng định các giá trị di sản tàu đắm quan trọng và vai trò của Việt Nam trong con đường gốm sứ trên biển.

Đợt trưng bày lần này, người xem sẽ được tiếp cận những hiện vật trên các tàu cổ bị đắm được ngư dân tìm thấy trên khắp các vùng biển Việt Nam như tàu đắm ở Lagi, tỉnh Bình Thuận (thế kỷ XV); tàu đắm ở Hà Tiên (thế kỷ XVIII); tàu đắm ở Cà Mau (Thế kỷ XVIII); tàu đắm được tìm thấy ở Hòn Cau, Bà Rịa-Vũng Tàu (thế kỷ XVII); tàu đắm ở Bình Định (thế kỷ XIV); tàu đắm ở Cù Lao Chàm, Quảng Nam (thế kỷ XV); tàu đắm ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (thế kỷ XIV); tàu đắm ở Hòn Dầm, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (thế kỷ XV) và con tàu cổ đắm ở Bình Châu ở Quảng Ngãi (thế kỷ XIII).

Hầu hết các hiện vật được tìm thấy là các vật dụng đồ gốm như đĩa, bình, chum,... men nâu đen và men xanh ngọc trên tàu đắm ở Lagi (Bình Thuận); tượng Phúc, Lộc, Thọ, tranh, tượng khỉ, tượng hoa lá… được làm bằng đá trên tàu cổ đắm ở Hà Tiên; gốm sứ thuộc thời Tống Nguyên (Trung Quốc) khoảng thế kỷ XIII-XIV trên tàu cổ đắm được tìm thấy ở Bình Định.

Trong số đó, hiện vật được tìm thấy trên tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã mở ra bước ngoặt trong quá trình tìm tinh hoa văn hóa Việt - gốm Chu Đậu; là bằng chứng khoa học chứng minh Việt Nam đã có những thành công rực rỡ trong việc giao thương xuất khẩu gốm sang các nước trong và ngoài khu vực.

Số hiện vật thu được là 15.934 với trên 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) - đồ gốm thương mại nổi tiếng của Việt Nam thời bấy giờ (thế kỷ XV).

[Triển lãm cổ vật Việt Nam tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc]

Hai trong số hàng chục loại gốm Chu Đậu gây ấn tượng, trở thành sản phẩm nổi tiếng, được ưa chuộng nhất với người sành đồ cổ là bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình Tỳ Bà.

Gốm Chu Đậu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng 9 chữ vàng “Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam” cũng bởi nét đẹp tinh tế, gần gũi và chân thực như chính vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số hiện vật thu được từ các con tàu cổ bị đắm là gốm sứ của các lò gốm cổ ở Trung Quốc, Thái Lan...

Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương cho biết, khám phá, thưởng ngoạn cổ vật từ các con tàu đắm là một cuộc du ngoạn về quá khứ để hình dung lại một thời vang bóng của “con đường gốm sứ trên biển.”

Việc khai quật những di tích tàu cổ bị đắm và di tích trong lòng biển được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam chứng minh cho việc đã từng có sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa, thương mại đường biển.

Việc nghiên cứu, khai quật những con tàu cổ đem lại những tài liệu, hiện vật quý giá, phát triển ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục