Trưng bày trên 300 sản phẩm giúp người tiêu dùng nhận diện hàng thật-giả

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường, việc mở cửa Phòng trưng bày hàng thật- hàng giả sẽ giúp người dân tự trang bị kiến thức trong mua sắm, tránh những rủi ro trong mua bán hàng hóa.

Đại diện doanh nghiệp hướng dẫn phân biệt hàng thật, giả tại phòng Trưng bày do Tổng cục Quản lý Thị trường tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Đại diện doanh nghiệp hướng dẫn phân biệt hàng thật, giả tại phòng Trưng bày do Tổng cục Quản lý Thị trường tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam, sáng 15/3, tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục mở cửa Phòng trưng bày hàng thật-hàng giả nhằm giúp khách tham quan tìm hiểu thông tin về sản phẩm, phân biệt hàng hóa chính hãng trên thị trường.

Với chủ đề “Nhận diện hàng thật-hàng giả Made in Japan,” phòng trưng bày Tổng cục Quản lý Thị trường trưng bày trên 300 sản phẩm của nhiều thương hiệu đến từ Nhật Bản như: Panasonic, Casio, ASICS, Uniqlo, Lotte, Meiji, Transino, Honda, Yamaha…, điển hình như: bình siêu tốc Panasonic, máy tính, đồng hồ Casio, áo chống nắng, tất Uniqlo, bánh kẹo Lotte, mỹ phẩm Trasino, linh phụ kiện xe máy Honda, Yamaha, sữa và đồ uống Elovi, giầy thể thao ONITSUKA TIGER MEXICO 66 của ASICS… Đây là các thương hiệu được ưa chuộng tại Nhật Bản cũng như được tiêu thụ nhiều tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, các sản phẩm sử dụng công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Việt Nam như Ajinomoto, Hảo Hảo… cũng được trưng bày, giới thiệu, giúp khách tham quan tìm hiểu, nhận diện sản phẩm.

Tại Phòng trưng bày, chuyên viên của Tổng cục Quản lý Thị trường phối hợp với đại diện của các doanh nghiệp và chủ thể quyền sẽ trực tiếp giới thiệu về các thương hiệu có xuất xứ từ Nhật Bản, đưa ra những điểm đặc trưng giúp người tiêu dùng so sánh, nhận diện để phân biệt được hàng thật và hàng giả.

Theo Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, đây là lần đầu tiên Tổng cục trưng bày với chuyên đề riêng là các thương hiệu của Nhật Bản.

"Hiện nay nhu cầu của người dân Việt Nam đối với các thương hiệu hàng hóa của Nhật Bản là rất cao, cùng với đó cũng xuất hiện tình trạng gian lận thương mại đối với các thương hiệu này. Vì vậy, việc mở cửa Phòng trưng bày sẽ giúp người dân tự việc tự trang bị kiến thức trong mua sắm, tránh những rủi ro trong mua bán hàng hóa," ông Trần Hữu Linh nói.

Không dừng lại ở các sản phẩm “Made in Japan,” trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý Thị trường sẽ tiếp tục mở rộng các chuyên đề nhận diện, phân biệt các sản phẩm đối với hàng hóa có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau để phục vụ nhu cầu mua sắm an toàn, hiệu quả của người tiêu dùng.

Phòng trưng bày “Nhận diện hàng thật-hàng giả Made in Japan” mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu thông tin miễn phí từ ngày 15/3 đến hết ngày 19/3/2024. Thời gian mở cửa từ 9:00-17:00 hàng ngày./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.