Trung Quốc: Hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc trong tháng Tư

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 32,3% trong tháng Tư vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự đoán tăng 24,1% trong cuộc khảo sát của Bloomberg, nhờ nhu cầu tăng cao của mặt hàng điện tử, khẩu trang.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Số liệu được công bố ngày 7/5 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vượt dự đoán, trong khi nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 10 năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 và tiêu dùng trong nước cũng khởi sắc.

Giữa lúc tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và tình hình phong tỏa để phòng dịch đang dần được nới lỏng, nhu cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc đã gia tăng trong năm nay, sau khi sụt giảm trong năm 2020.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 32,3% trong tháng Tư vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự đoán tăng 24,1% trong cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, nhờ nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng điện tử và khẩu trang y tế.

Mức tăng ấn tượng nói trên một phần là do cơ sở so sánh ở mức thấp của năm ngoái, nhưng nó vẫn thể hiện sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, dẫn đầu là Mỹ với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và ngân hàng trung ương.

[Trung Quốc mở chiến dịch kích thích tiêu dùng nội địa trong tháng 5]

Ở trong nước, khi tình hình dịch COVID-19 nhìn chung đã được kiểm soát, phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc đã quay trở lại cuộc sống thường nhật như trước, từ đó khiến nhập khẩu tăng 43,1%, thấp hơn một chút so với mức dự đoán nhưng vẫn là mức cao nhất kể từ đầu năm 2011. Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh một phần là do giá nhiều mặt hàng tăng cao như quặng sắt và đồng.

Ngoài ra, ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS Markit, cho rằng những yếu tố như cước vận chuyển đường biển tăng và sự thiếu hụt các sản phẩm bán dẫn trên toàn cầu cũng khiến giá trị nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên.

Các số liệu khả quan nói trên là tin vui đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong nỗ lực chuyển hướng nền kinh tế từ phụ thuộc vào đầu tư chính phủ và xuất khẩu sang một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của Nomura, ông Lu Ting, cảnh báo giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh sẽ khiến lạm phát tăng theo và làm giảm nhu cầu trong nước.

Tháng Tư vừa qua, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ, một điểm chính trong căng thẳng thương mại giữa hai nước, đã tăng 23% lên 28,1 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục