Trong bối cảnh tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang dần "hạ nhiệt" tại Trung Quốc và việc tái khởi động các hoạt động sản xuất kinh doanh dần tăng tốc, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân nước này đang phục hồi trở lại sau thời gian phải cách ly xã hội.
Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây cho biết mức độ tái hoạt động của các chuỗi siêu thị lớn và các cửa hàng tiện lợi đã đạt lần lượt 99,5% và 95,4%, với doanh số vượt các mức ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, 95,8% các trung tâm thương mại và 80% ngành nhà hàng khách sạn đã hoạt động trở lại, tính đến ngày 27/3.
Để đảm bảo an toàn, các nhà hàng đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh một cách nghiêm túc như quét mã sức khỏe và đo thân nhiệt khi khách hàng vào nhà hàng. Các bàn ăn cũng được kê cách xa nhau.
[Các thành phố ở Trung Quốc phát phiếu giảm giá để kích thích tiêu dùng]
Theo một khảo sát mới đây của Ủy ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Giang Tô, khoảng 90% trong số 21.192 người tham gia khảo sát đã lựa chọn đi mua sắm “bù” khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Khảo sát cho thấy đi ăn tối ở ngoài, mua sắm ở các trung tâm thương mại, xem phim, du lịch... là những hoạt động được yêu thích nhất.
Bên cạnh hoạt động tiêu dùng truyền thống đang “ấm” dần lên, sự phục hồi của hoạt động logistics cũng đang thúc đẩy sự bùng nổ của hình thức mua sắm trực tuyến.
Theo số liệu của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba, trong khoảng thời gian gần ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tổng doanh số trên Tmall cao hơn hẳn so với năm ngoái, trong đó doanh số của hơn 20.000 thương hiệu đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2019.
Các khu vực trên khắp cả nước cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng. Nhiều thành phố khuyến khích các nhân viên nhà nước đi đầu trong hoạt động tiêu dùng và đưa ra các chương trình khuyến mãi để kích thích chi tiêu.
Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, đã phát hành các phiếu giảm giá có trị giá hơn 300 triệu NDT (tương đương hơn 42 triệu USD) cho người dân và những người gặp khó khăn.
Zheng Lanxiang, một giáo sư của Đại học An Huy, cho rằng người dân sẵn sàng mua sắm khi dịch bệnh dịu xuống, nhưng vẫn cần thời gian để thị trường có thể phục hồi và phát triển.
Ông cho rằng Trung Quốc cần tạo ra một môi trường tiêu dùng an toàn hơn và gia tăng thu nhập của người dân để cải thiện sức mua của họ./.