Trung Quốc quan ngại Liên minh châu Âu siết chặt đầu tư nước ngoài

Trung Quốc bày tỏ quan ngại về đề xuất của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nhằm hạn chế vụ doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các công ty của châu Âu hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược.
Trung Quốc quan ngại Liên minh châu Âu siết chặt đầu tư nước ngoài ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, Trung Quốc bày tỏ quan ngại về đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhằm hạn chế vụ doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các công ty của châu Âu hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược như cơ sở hạ tầng, công nghệ cao và năng lượng.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh EU từ lâu đã thúc đẩy thương mại tự do và tạo điều kiện đầu tư, qua đó mang lại những lợi ích thực sự cho các nước thành viên liên minh. Do đó, việc EU siết chặt các hoạt động thâu tóm, sáp nhập của giới doanh nghiệp sẽ không giúp đạt được phát triển lâu dài.

Tuần trước, trong Thông điệp Liên minh châu Âu (EU) đọc tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Juncker đã đề xuất một "Khuôn khổ châu Âu" về kiểm soát đầu tư nước ngoài của EU nhằm bảo vệ các lĩnh vực chiến lược trước những mối lo chủ yếu do làn sóng thôn tính các công ty châu Âu của nhà đầu tư Trung Quốc. Ông nhấn mạnh nếu một công ty nước ngoài muốn mua một hải cảng chiến lược của châu Âu hoặc một công ty trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, điều đó phải được thực hiện một cách minh bạch thông qua quá trình khảo sát kỹ lưỡng, kiểm tra và thảo luận công khai. Đức, Pháp và Italy đã hoan nghênh các đề xuất trên là "một bước đi quan trọng hướng tới một sân chơi bình đẳng ở châu Âu."

[Châu Âu sẽ kiểm soát chặt những vụ thâu tóm của Trung Quốc]

Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi EC tiến tới một hệ thống đầu tư có kiểm soát từ bên ngoài khối đổ vào những lĩnh vực chiến lược. Tháng 7, Đức đã trở thành nước EU đầu tiên thắt chặt các quy định về chuyển nhượng tập đoàn nước ngoài dẫn tới một loạt thỏa thuận của Trung Quốc cho phép nước này tiếp cận công nghệ và kinh nghiệm của phương Tây. Pháp có một đạo luật riêng nhằm ngăn chặn các thỏa thuận như vậy trong một số lĩnh vực như năng lượng và viễn thông. Việc công ty Midea của Trung Quốc mua lại nhà chế tạo robot Kuka của Đức hồi năm 2016 làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đã tiếp cận quá sâu vào các công nghệ chủ chốt trong khi Bắc Kinh ngăn cản các công ty của mình bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm.

Không chỉ có châu Âu lo ngại về làn sóng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các doanh nghiệp của mình, mới đây nhất - ngày 13/9- chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không cho phép Quỹ Đầu tư Canyon Bridge của Trung Quốc mua lại Công ty Lattice Semiconductor, nhà sản xuất các loại chip tiên tiến, có trụ sở ở bang Oregon, coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Canyon Bridge có kế hoạch thâu tóm Lattice Semiconductor với giá 1,3 tỷ USD, thương vụ lớn nhất của một công ty Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip của Mỹ. Đây là thỏa thuận đầu tiên được công bố đối với công ty Canyon Bridge có trụ sở tại Palo Alto, được khai trương vào năm ngoái và tập trung vào đầu tư công nghệ.

Giới chức Nhà Trắng lo ngại thương vụ này sẽ kéo theo việc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư nước ngoài và liên quan trực tiếp tới hoạt động cung cấp các sản phẩm bán dẫn cho các cơ quan chính phủ. Hiện nay, các sản phẩm bán dẫn nhạy cảm của Lattice Semiconductor được nhiều cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.