"Trung Quốc tái diễn chính sách bên miệng hố chiến tranh"

Theo tiến sỹ Sybhash Kapila, những hành động của Trung Quốc gây ra trên vùng biển quyền chủ quyền của Việt Nam là tái diễn chính sách bên miệng hố chiến tranh.
"Trung Quốc tái diễn chính sách bên miệng hố chiến tranh" ảnh 1Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao phun nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam. (Nguồn: Bộ Ngoại giao)

Tiến sỹ Sybhash Kapila - Ấn Độ có bài bình luận với tựa đề ''Biển Đông: Trung Quốc tái diễn tình trạng gây sức ép và thực hiện chính sách bên miệng hố chiến tranh chống Việt Nam.''

Vietnam+ xin đăng tải nội dung chính của bài viết (Quan điểm trong bài viết là của tác giả):

Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc một lần nữa lại gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định tại Biển Đông bởi việc lặp lại chiến lược áp bức quân sự truyền thống và chính sách miệng hố chiến tranh chống Việt Nam.

Trong một động thái có tính toán chiến lược, những hành động leo thang mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam ba ngày trước đây, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du châu Á và tái khẳng định cam kết đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và Phillipines, có thể thấy rằng những hành động khiêu khích và chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc tại Biển Đông là điều có thể đoán được.

Mặc dù không có bất kỳ cam kết về an ninh nào đối với Việt Nam nhưng liệu Mỹ có thể bàng quan thờ ơ khi mà Trung Quốc thường xuyên có các hành động khiêu khích vô cớ và đưa tình hình đến bờ vực chiến tranh với Việt Nam tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông và do đó sẽ gây nguy hại tới an ninh, sự ổn định của khu vực.

Với việc Trung Quốc khuấy lại căng thẳng với Việt Nam ở Biển Đông vốn có xu hướng dịu đi, có lẽ các nhà hoạch định chiến lược ở Washington nên vứt bỏ các kế hoạch đối phó ngẫu nhiên của họ ở Biển Đông dù được nói đã bao hàm cả sự va chạm Việt-Trung ở Biển Đông sẽ leo thang thành cuộc xung đột đầy đủ.

Trung Quốc đã tiếp tục làm cho căng thẳng, xung đột liên tục phát triển với hành động đơn phương và khiêu khích mang tính châm ngòi khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Với hành động chỉ có thể là khiêu khích, Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện về quân sự của mình khi một đội tàu chiến và hàng chục tàu loại khác được triển khai xung quanh giàn khoan.

Ngày 6/5/2014, có các thông tin cho thấy số lượng tàu chiến của Trung Quốc đã lên con số 53. Máy bay chiến đấu Mig 29 của không quân Trung Quốc cũng được triển khai tại khu vực tranh chấp. Việt Nam lo sợ Trung Quốc có thể đã triển khai tàu ngầm tại khu vực này.

Khu vực tranh chấp hiện tại cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý và như người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định không thể phủ nhận khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Kết quả là, các tàu của lực lượng cảnh sát biển và các cơ quan chức năng Việt Nam đã được triển khai ra khu vực để chống lại việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan trong vùng biển của mình.

Những hình ảnh chi tiết trong băng video của Việt Nam tại buổi họp báo quốc tế chính thức đã cho thấy một cách sống động việc tàu hải quân Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của Việt Nam và sử dụng vòi rồng tốc lực cao gây hư hại và làm bị thương các thủy thủ Việt Nam.

Sự đối đầu Việt-Trung đã diễn ra trong ba ngày qua mà không có bất cứ sự kiềm chế nào của phía Trung Quốc.

Việt Nam đã lựa chọn giải pháp ngoại giao để làm giảm căng thẳng nhưng dường như đã thất bại do sự ngoan cố của Trung Quốc.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam trong cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã phản đối việc Trung Quốc gây ra căng thẳng, khiêu khích trong vùng biển Việt Nam và căng thẳng sẽ được tháo gỡ khi Trung Quốc rút giàn khoan và đội tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Đáp lại, giống như dự đoán, Trung Quốc cho rằng đội tàu Trung Quốc và giàn khoan đang hoạt động trong vùng nước chủ quyền của Trung Quốc.

Mỹ đã đưa ra những phản ứng chính thức thông qua tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ: “Hành động đơn phương dường như là một phần của chiến lược mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ đang tranh chấp theo phương thức gây nguy hại cho hòa binh và ổn định trong khu vực.”

Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng “cách hành xử nguy hiểm và sự đe dọa” tại Biển Đông. Mỹ cũng coi việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan tại các vùng nước tranh chấp là khiêu khích.

Những sự khẳng định của Mỹ nêu trên đã thẳng thắn hơn so với trước và cùng với tuyên bố của Tổng thống Obama trong chuyến thăm tới khu vực gần đây và tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng C.Hagel tại Trung Quốc tháng trước có thể đánh đi tín hiệu về một sự tái định hình hệ thống chiến lược của Mỹ được hoan nghênh lúc này tại Biển Đông.

Dư luận quốc tế đã bình luận rộng rãi về việc Trung Quốc phục hồi lại chính sách bên miệng hố chiến tranh khiêu khích tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hoàn toàn thiếu quan tâm tới căng thẳng đang lan khắp tại Biển Đông.

Điều này khiến mọi người quan tâm tới ý định của Trung Quốc trong việc phục hồi chính sách áp bức và bên miệng hố chiến tranh vào thời điểm hiện nay dựa trên những bối cảnh và diễn biến sau:

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra tuần tới tại Myanmar. Liệu Trung Quốc có tự cho phép mình lặp lại màn trình diễn ở Campuchia và tiếp tục chia rẽ ASEAN để cho khối này vô dụng trong xung đột Biển Đông?

Tại sao Trung Quốc đổ thêm dầu vào lửa khi đang căng thẳng quân sự với Philippines cũng tại Biển Đông? Cũng trong tuần này, Philippines đã bắt giữa một tàu đánh cá và 11 ngư dân Trung Quốc trong vùng nước lãnh thổ của mình. Điều này có thể dẫn tới gia tăng căng thẳng.

Có phải Trung Quốc đang thử những ý định và giải quyết tình thế của Mỹ để tái cân bằng vị thế quân sự khu vực và cũng làm mới tuyên bố của Mỹ rằng những cam kết an ninh của mình với các đồng minh tại khu vực là tuyệt đối.

Có phải Việt Nam đã được Trung Quốc lựa chọn để làm mới chính sách bên miệng hố chiến tranh với cái cớ là Mỹ với sự xao lãng tại Ukraine không thể phản ứng với các phiêu lưu quân sự của Trung Quốc chống Việt Nam ngoài việc chỉ ủng hộ suông?

Liệu có bất cứ sự liên hệ nào giữa hành động lắp đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam nhằm đáp lại hiệp định mở rộng hợp tác cùng khai thác dầu khí Việt-Ấn tại Biển Đông?

Cuối cùng, động cơ thúc đẩy Trung Quốc quyết định lộ rõ chiến lược tại Biển Đông dường như nhằm tăng cường sức mạnh quân sự tại toàn bộ Biển Đông trong tuyên bố đường lưỡi bò của mình bằng việc từng bước chống lại Việt Nam.

Bước đi quân sự kế tiếp của Trung Quốc có thể dự báo là việc tuyên bố khu vực nhận diện phòng không ADIZ tại Biển Đông. Khi ấy, Mỹ với tư cách là siêu cường cùng với các quyền lợi thiết yếu ở Biển Đông chắc chắn sẽ phải vào cuộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.