Trung Quốc tuyên bố mở cửa cho mọi thỏa thuận thương mại tự do

Trung Quốc để ngỏ cửa cho mọi thỏa thuận thương mại tự do (FTA) có lợi cho tự do hóa thương mại toàn cầu và hội nhập khu vực nếu chúng minh bạch và cởi mở.
Trung Quốc tuyên bố mở cửa cho mọi thỏa thuận thương mại tự do ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành. (Nguồn: Reuters)

Ngày 7/3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cho biết nước này để ngỏ cửa cho mọi thỏa thuận thương mại tự do (FTA) có lợi cho tự do hóa thương mại toàn cầu và hội nhập khu vực nếu chúng minh bạch và cởi mở.

Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề kỳ họp thường niên của Quốc hội, Bộ trưởng Cao cho biết Trung Quốc đang theo dõi hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp ước Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Hai hiệp ước này liên quan đến nhiều nước và sẽ chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu. Theo Bộ trưởng, nếu được ký kết, các thỏa thuận trên sẽ có tác động sâu rộng đến toàn thế giới.

Bộ trưởng cho biết Trung Quốc đã thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến các cuộc đàm phán về TPP và TTIP, và cơ chế này đang vận hành tốt. Trung Quốc sẽ tiếp tục nghiên cứu và đánh giá tác động của các thỏa thuận trên đối với khu vực và toàn cầu, đồng thời tiếp tục và thúc đẩy các chiến lược khu vực thương mại tự do của Trung Quốc.

Về quan hệ thương mại Trung-Mỹ, Bộ trưởng Cao cho biết hai nước đã cơ bản hoàn tất đàm phán về hiệp định đầu tư song phương (BIT). Ông nhấn mạnh rằng việc kết thúc đàm phán và ký kết BIT Trung-Mỹ sẽ có tác động tích cực đối với các quy định đầu tư toàn cầu. Hai nước đang tiến đến giai đoạn trao đổi danh sách riêng của mỗi bên về các lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài.

Khi được hỏi về thái độ của Trung Quốc đối với những căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng, ông Cao cho biết các biện pháp thương mại sẽ là giải pháp cuối cùng nếu các cuộc đối thoại không giúp giải quyết các tranh cãi thương mại.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm Trung Quốc sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán tự do thương mại Trung-Nhật-Hàn, dựa trên FTA mới ký giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài ra, nước này cũng sẽ tiến hành đàm phán về một phiên bản mới của FTA giữa Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như đàm phán thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm 2015.

Nói về FTA Trung Quốc-Australia vừa kết thúc đàm phán cuối năm 2014, ông Cao cho biết Australia có cùng các quy định và khuôn khổ về thương mại và đầu tư so với các nước công nghiệp phát triển lớn khác. Vì vậy, việc ký kết FTA với Australia chứng tỏ Trung Quốc "có niềm tin và khả năng" để bắt đầu đàm phán FTA với bất kỳ quốc gia hay khu vực nào trên thế giới.

Hiện, Trung Quốc đã ký FTA với hơn 20 quốc gia và khu vực, chiếm gần 30% các trao đổi với nước ngoài của nước này. Bắc Kinh cam kết đẩy nhanh đàm phán FTA với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Israel.

Cũng tại cuộc họp báo trên, Bộ trưởng Cao cho biết 2015 sẽ là năm quan trọng đối với các sáng kiến "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" của Trung Quốc, được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2013. Đến nay, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với các quốc gia dọc con đường này và một vài dự án đã được thực thi trong khi các dự án khác đã được lên kế hoạch.

Con đường tơ lụa mới sẽ được thiết lập dọc theo Con đường tơ lụa trước kia, vốn trải dài từ khu vực duyên hải Tây Bắc Trung Quốc xuyên qua Trung Á, Trung Đông và tới châu Âu. Con đường mới sẽ chạy qua cả các quốc gia Đông Nam Á.

Bộ trưởng Cao nhấn mạnh rằng sáng kiến trên sẽ mang tinh thần "cởi mở và toàn diện". Mọi quốc gia hay tổ chức quan tâm đến kế hoạch này đều có thể tham gia theo nguyên tắc cùng đàm phán, cùng xây dựng và cùng chia sẻ. Đến nay đã có hơn 50 nước thể hiện quan tâm đến sáng kiến của Trung Quốc.

Một Quỹ Con đường tơ lụa trị giá 40 tỷ USD đã được thiết lập và vận hành từ tháng 2/2015 để đầu tư và cung cấp các dịch vụ tài chính cho các nền kinh tế và các đối tác tư nhân tham gia "hành trình" này.

Liên quan đến tăng trưởng ngoại thương, ông Cao cho biết Trung Quốc tin tưởng sẽ đạt mục tiêu tăng kim ngạch ngoại thương thêm 6% trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.