Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách tăng cường sức ảnh hưởng trong thương mại toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào đã nộp đơn xin gia nhập của Trung Quốc trong một lá thư gửi tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Damien O'Connor.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã được ký kết bởi 11 quốc gia vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên bao gồm Australia, Canada, Chile, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Trước đó, nó được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và được coi là đối trọng kinh tế quan trọng trước ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.
Nhật Bản, nước đang nắm quyền Chủ tịch đối với cơ quan ra quyết định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương năm 2021, cho biết họ sẽ tham vấn với các nước thành viên để đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, nhưng không đưa ra dấu hiệu về thời gian thực hiện.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là trọng tâm trong chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng người kế nhiệm ông Obama là Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định vào năm 2017.
[Trung Quốc nhấn mạnh vai trò của RCEP trong quan hệ với ASEAN]
Việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ là một động lực lớn đối với Trung Quốc sau khi nước này ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia hồi năm ngoái. Nếu gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương , Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong khối.
Hiện Anh và Thái Lan cũng đang bày tỏ mong muốn về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương . Ngày 20/5/2021, tại Diễn đàn Quốc tế “Tương lai châu Á,” Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuyên bố, Thái Lan mong muốn được tham gia CPTPP và hiện Chính phủ nước này đang cân nhắc các bước đi cần thiết. Trong khi đó, với đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương , Anh đã trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn tham gia thỏa thuận này.
Có thể nói, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một phần quan trọng trong chính sách thương mại của nước này sau khi rời EU. Anh dự báo sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương , xuất khẩu của nước này sang các quốc gia thành viên Hiệp định sẽ tăng hơn 51 tỷ USD, tương đương 65%, vào năm 2030./.