Trùng tu nhà thờ Bùi Chu: An toàn cho người sử dụng cần đặt lên đầu

Dù việc trùng tu được thực hiện theo phương án nào, đơn vị thực hiện cũng phải là đơn vị có chuyên môn về tu bổ di tích và xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng.
Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1884.
Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1884.

Liên quan đến việc trùng tu nhà thờ Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, Nam Định), tiến sỹ-kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương - Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, yếu tố cần ưu tiên hàng đầu là việc đảm bảo an toàn cho người sử dụng (cộng đồng dân cư địa phương, giáo dân khi đến hành lễ, khách tham quan…).

Bên cạnh đó, quá trình bảo tồn cần giữ được những đặc điểm cơ bản, giá trị cốt lõi và đặc trưng của công trình.

Trên cơ sở hồ sơ khoa học di tích nhà thờ Bùi Chu (do Viện Bảo tồn Di tích lập năm 2006), kết quả khảo sát hiện trạng nhà thờ (vào tháng 5/2019) và tham vấn ý kiến các bên liên quan, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích đề xuất hai phương án trùng tu nhà thờ này: trùng tu cục bộ theo nguyên trạng, trùng tu triệt để (hạ giải toàn bộ nhà thờ đến tận nền móng cũ).

Trùng tu cục bộ

Theo phương án này, Viện Bảo tồn Di tích đề xuất giữ nguyên quy mô và cấu trúc công trình, hạ giải từng phần để tu sửa. Cụ thể, với phần mái ngói, sẽ tận dụng tối đa những viên ngói còn tốt để tái sử dụng, đồng thời dùng những vien ngói phục chế theo kích thước cũ để tha thế phần hư hỏng. Bờ nóc trên mái nhà sẽ được phục hồi lại theo hình ảnh tư liệu chụp năm 1950.

Khung gỗ nhà thờ cũng sẽ được hạ giải từng phần, gia cốt các cột chống đỡ, những cấu kiện gỗ hư hỏng hoàn toàn sẽ được thay thế bằng cấu kiện gỗ mới cùng chủng loại. Phần móng, tháp chuông và những đoạn tường bị nghiêng được đề xuất tu sửa bằng phương pháp, kỹ thuật hiện đại.

[Photo: Ngắm nhà thờ chính tòa Bùi Chu trước khi trùng tu]

Cũng theo phương án này, những đoạn tường bị nứt sẽ được gia cố và phục hồi cả về độ bền lẫn hoa văn; toàn bộ trần vôi rơm, trần gỗ, trần vẽ hoa văn theo kỹ thuật truyền thống sẽ được sửa chữa lại; các họa tiết, hoa văn trang trí, gờ chỉ đắp vẽ phía bên ngoài sẽ được phục chế lại…

Tiến sỹ Hoàng Đạo Cương cho rằng, tuy bảo tồn được dấu tích, quy mô và cấu trúc công trình nhưng phương án này không bền vững, chỉ duy trì được trong một thời gian, sau đó sẽ phải tiếp tục duy tu, sửa chữa hàng năm hoặc định kỳ. “Đó là chưa kể, phương án này nếu được áp dụng cũng sẽ gây lãng phí khối lượng của cải vật chất tương đối lớn - những cấu kiện gỗ đã được chuẩn bị từ trước đó để phục vụ cho việc hạ giải, xây lại nhà thờ,” ông Cương cho phân tích.

Trùng tu triệt để

Phương án thứ hai do Viện Bảo tồn Di tích đề xuất là hạ giải toàn bộ công trình đến tận móng, nền cũ. Theo đó, hệ thống móng, nền sẽ được làm mới với công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đảm bảo thời gian tồn tại lâu dài, ổn định.

Trùng tu nhà thờ Bùi Chu: An toàn cho người sử dụng cần đặt lên đầu ảnh 1Trải qua thời gian tồn tại, công trình đã bị nứt, hỏng nhiều chỗ. (Ảnh minh họa)

Để tránh việc tạo ra cảm giác xa lạ, khác biệt của công trình sau khi được trùng tu, Viện Bảo tồn Di tích đề xuất mặt bằng nhà thờ vẫn lấy theo cấu trúc, quy mô, kích thước cũ (nếu mở rộng thêm thì phần mở rộng không quá lớn so với ban đầu). Bên cạnh đó, Viện Bảo tồn Di tích lưu ý việc trả lại cốt nền ban đầu của công trình với hệ chân đế bao quanh.

“Đặc biệt lưu ý bảo tồn nguyên vẹn khu mộ của các linh mục, phục chế các đồ thờ sơn thếp, bảo quản tấm bia Thành Thái và hai chuông đồng,” báo cáo của Viện Bảo tồn Di tích ghi rõ.

Ngoài ra, theo phương án này, những giá trị cốt lõi và yếu tố gốc quan trọng của các thời kỳ sẽ bảo tồn; các chân cột gỗ, hoa văn kim loại đúc… được đề nghị tái sử dụng tối đa…

Theo tiến sỹ Hoàng Đạo Cương, phương án này bảo đảm độ bền vững, ổn định lâu dài của công trình. Những đặc điểm cơ bản và những giá trị cốt lõi đặc trưng của công trình được bảo tồn. Đây là phương án có tính khả thi, tránh lãng phí đối với của cải vật chất của giáo dân.

Trong văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu, Viện Bảo tồn Di tích kiến nghị, dù việc trùng tu được thực hiện theo phương án nào, đơn vị thực hiện cũng phải là đơn vị có chuyên môn về tu bổ di tích và xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Trong quá trình thi công, các bên liên quan cần cần lập hồ sơ đầy đủ, chi tiết trước khi hạ giải cục bộ hay toàn phần.

Liên quan đến đề xuất xây một công trình mới (để sử dụng) bên cạnh việc giữ nguyên nhà thờ cũ (để bảo tồn), tiến sỹ Hoàng Đạo Cương cho rằng, đây là phương án không hợp lý, vừa gây tốn kém, lãng phí vừa khiến cho công trình được giữ lại (với mục đích bảo tồn) không thể hiện đúng chức năng (nơi hành lễ).

Trước đó, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc hạ giải nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Trước thông tin Giáo phận Bùi Chu sẽ hạ giải nhà thờ vào ngày 13/5, một nhóm kiến trúc sư (gồm 25 người) đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị giữ lại nhà thờ.

Nhóm kiến trúc sư cho rằng, nhà thờ Bùi Chu là công trình chứa đựng nhiều giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và văn hóa. Cụ thể, nhà thờ Bùi Chu không chỉ mang dấu ấn kiến trúc châu Âu mà còn có sự kết hợp các yếu tố, chi tiết, vật liệu của Việt Nam để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông-Tây.

Ngày 7/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đoàn công tác làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định; trực tiếp khảo sát thực tế, kiểm tra sơ bộ về thực trạng của nhà thờ Bùi Chu.

Kết quả kiểm tra thực tế công trình cho thấy, về sơ bộ, hiện trạng công trình đã bị nứt, hỏng nhiều chỗ. Cụ thể, cửa vào bị nứt, tòa tháp trái bị nghiêng, nhiều cửa vòm ở hai bên đều bị nứt. Nội thất bên trong bị xuống cấp, mục, mọt, nhiều vật liệu có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Công trình này không chỉ của giáo xứ mà nhiều hoạt động liên quan tới tôn giáo tín ngưỡng cũng diễn ra ở đây. Việc xem xét xây dựng lại công trình phải dựa trên thực trạng xuống cấp của di tích.

Trên cơ sở báo cáo của đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Viện Bảo tồn Di tích tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu tỉnh Nam Định.

Đến sáng 10/5, linh mục Giuse M. Nguyễn Đức Giang (Tổng đại diện Giáo phận Bùi Chu) đã ký thông báo hoãn việc hạ giải nhà thờ chính tòa./.

Nhà thờ chính tòa Bùi Chu do giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận bắt đầu xây dựng năm 1884. Một năm sau, nhà thờ khánh thành, với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m, tháp cao35 m.

Từ đó đến nay, công trình trải qua một số lần tu sửa vào các năm: 1974, 2000…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục