Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Để thực hiện mục tiêu này, một đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đã bắt đầu được thực hiện nhằm góp phần đổi mới toàn diện cho đào tạo nghề ở Việt Nam.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai quyết định 761/QĐ-TTg về phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 do Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 23/6.
Tiêu chí của trường nghề chất lượng cao gồm 6 tiêu chí: Về quy mô đào tạo; việc làm sau đào tạo; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo; kiểm định chất lượng; chất lượng giáo viên, giảng viên; quản trị nhà trường.
Trong các tiêu chí được đặt ra có tiêu chí tạo việc làm đúng nghề sau đào tạo phải đạt ít nhất 80%, riêng các nghề trọng điểm phải đạt 90%. Đây là tiêu chí khiến đại điện nhiều trường nghề lo ngại sẽ khó thực hiện được.
Trước những lo ngại này, Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề Dương Đức Lân cho biết, sở dĩ tiêu chí việc làm sau đào tạo cao là muốn các trường nghề khi tuyển sinh đào tạo phải nghiên cứu thị trường lao động, liên kết được với doanh nghiệp để xác định đầu ra cho học sinh, sinh viên.
“Không thể đào tạo vu vơ, đào tạo vu vơ thì không thể là đào tạo chất lượng cao được. Trong tương tai, các trường nghề sẽ phải thay đổi quyết liệt, phải đào tạo theo yêu cầu. Thực tế hiện nay đã có nhiều trường nghề cam kết với học viên, phụ huynh khi tuyển sinh là 100% sẽ có việc làm,” ông Dương Đức Lân nhấn mạnh.
Ủng hộ quan điểm đề cao chỉ tiêu tạo việc làm, nhưng ông Trương Thúc Hiếu, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Đà Lạt cho rằng để đạt được tiêu chí này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Cục dạy nghề cũng phải sớm cung cấp cho các trường nghề những thông tin dự báo về thị trường lao động để các trường nghề chủ động trong việc tuyển sinh theo nhu cầu của thị trường.
Mặt khác, trong các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao, trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo cũng đã được yêu cầu khá cụ thể, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh phải đạt 300 điểm TOEIC trở lên… Ngay cả giáo viên, giảng viên ngoài đạt chuẩn quy định cũng phải có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 350 điểm TOEIC trở lên. Đây là những tiêu chí được đa số các trường nghề ủng hộ, tuy nhiên, việc đổi mới giảng dạy để đạt được tiêu chí này cũng được các đại biểu đánh giá sẽ là thách thức lớn với rất nhiều trường nghề.
Hiện tại, quyết định 761 đã có kèm theo danh sách 45 trường nghề được ưu tiên đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường nghề chất lượng cao. Ông Dương Đức Lân cho biết, trường nghề nào muốn tham gia chương trình vẫn có thể tự đánh giá khả năng phát triển để đáp ứng 6 tiêu chí của trường nghề chất lượng cao và đăng ký với Tổng Cục dạy nghề./.
“Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt theo quyết định 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014. Trong giai đoạn 2014-2016, từng bước thí điểm đào tạo 34 nghề theo các chương trình đào tạo nghề được chuyển giao từ nước ngoài với quy mô tối thiểu 25 học sinh, sinh viên mỗi nghề một năm. Trong các giai đoạn sau, đề án sẽ tập trung mở rộng đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn của khu vực ASEAN hoặc quốc tế./.