Truyện cổ Andersen lên sân khấu rối nước tại Paris

Sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật rối nước truyền thống Việt Nam với các nhân vật truyện cổ Andersen đã chinh phục hoàn toàn khán giả Pháp.
Truyện cổ Andersen lên sân khấu rối nước tại Paris ảnh 1Tiết mục rối nước ''Chú lính chì dũng cảm''. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Lần đầu tiên, sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật rối nước truyền thống Việt Nam với các nhân vật truyện cổ Andersen đã chinh phục hoàn toàn khán giả Pháp.

Từ ngày 26-30/12, chương trình nghệ thuật biểu diễn rối nước Việt Nam mang tên ''Truyện cổ Andersen'' do các đạo diễn Ngô Quỳnh Giao và Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng, được công diễn tại nhà hát Claude Lévi-Strauss trong khuôn viên của Bảo tàng Quai Branly ở thủ đô Paris, Pháp.

Đây là một hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp và mở màn cho Năm giao lưu Việt Nam tại Pháp 2014.

Chương trình gồm các tiết mục: 'Chú lính chì dũng cảm,' 'Vịt con xấu xí,' 'Nàng tiên cá' được chuyển thể từ truyện cổ của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen.

Đây là kết quả của dự án hợp tác nghệ thuật từ năm 2010 đến nay giữa Nhà hát Múa rối Việt Nam và Công ty chuyên tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật Interarts (Pháp).

Người khởi xướng ý tưởng chuyển thể một tác phẩm văn học nước ngoài thành vở diễn múa rối nước là đạo diễn, nhà điêu khắc Ngô Quỳnh Giao, nguyên Giám đốc Nhà hát quốc gia múa rối Việt Nam.

Được dàn  dựng vào năm 2005, đến năm 2010, chương trình rối nước ''Truyện cổ Andersen'' đã tham gia Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2010 và đạt giải Nhất với các hạng mục dành cho đạo diễn và các nghệ sỹ biểu diễn.

Trong chuyến công diễn tại Pháp lần này, Nhà hát Múa rối nước Việt Nam và Công ty Interarts đã điều chỉnh một số chi tiết kỹ thuật để vở diễn phù hợp với sân khấu và điều kiện biểu diễn ở Pháp đồng thời đáp ứng tốt hơn thị hiếu khán giả châu Âu.

Trên thực tế, do sân khấu nước ở Pháp chỉ có độ sâu là nửa mét (trong khi ở Việt Nam là 1m), nên các nghệ sỹ điều khiển rối đã phải luyện tập diễn "quỳ." Số lượng nghệ sỹ cũng giảm từ gần 20 người xuống còn 9 người, trong khi số các con rối không giảm. Phông trang trí cũng được thay đổi để làm nổi bật các con rối được chạm khắc tinh vi và đẹp mắt.

Các tiết mục được thể hiện theo phong cách trình diễn đương đại đã mang lại sự tươi mới và tăng sức hấp dẫn của môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Ba câu chuyện cổ tích nổi tiếng đậm chất nhân văn của Andersen, đã đi vào tâm trí trẻ thơ của nhiều thế hệ, được chuyển thể thành các màn rối nước với tiết tấu nhanh, mang hơi thở cuộc sống, trên nền âm nhạc du dương nhưng sâu lắng, đã gây hiệu ứng cao, chinh phục đông đảo khán giả Pháp, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Việt Nam, Trưởng đoàn biểu diễn tại Pháp, cho biết: "Ý tưởng dàn dựng một câu chuyện nổi tiếng của châu Âu trên sân khấu múa rối nước truyền thống của Việt Nam là một sự thể nghiệm táo bạo, đòi hỏi sự sáng tạo nhưng đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc của môn nghệ thuật độc đáo này."

Theo ông, với nghệ thuật truyền thống, cần phải lưu giữ và bảo tồn, nhưng cũng cần phải phát triển. Dù là hình thức sáng tạo nào thì đích đến vẫn phải là cảm nhận của khán giả, vì khán giả là đối tượng thưởng thức các tiết mục này.

Trong quá trình sáng tạo và hợp tác, các nghệ sỹ Việt Nam đã tiến hành các bước chuẩn bị rất công phu trong từng công đoạn để thể hiện đậm nét bản sắc nghệ thuật rối nước truyền thống của Việt Nam.

Ông Jean-Luc Larguier, Giám đốc tổ chức Interarts, một trong những người đầu tiên có công đưa múa rối nước Việt Nam đi nước ngoài từ những năm 1980, cho rằng chương trình hợp tác Andersen mở ra hướng đi và thúc đẩy các "sáng tạo đương đại" đối với môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Đây là một sự đổi mới cần thiết làm cho múa rối nước Việt Nam trở nên phong phú hơn.

Chương trình rối nước Andersen cho thấy tuy vắng bóng chú Tễu, không có cảnh sinh hoạt đời thường của cư dân nền văn minh lúa nước như cấy lúa, chăn vịt, bắt cáo, không có âm nhạc dân tộc…, thay vào đó là các màn múa của vũ nữ, cảnh hồ thiên nga, cảnh tuyết rơi… của phương Tây, rối nước Việt Nam vẫn chứng tỏ được sức hấp dẫn khó cưỡng và được khán giả Pháp đón nhận nồng nhiệt.

"Đây là một tín hiệu rất vui cho chúng tôi," ông Jean-Luc Larguier nói. Ông cho biết đang lên kế hoạch để luyện tập cho các nghệ sỹ và tổ chức các chuyến lưu diễn tương tự cho chương trình này trong các năm 2014 và 2015 tại Pháp và một số nước châu Âu - như một cách thể hiện "tình yêu lớn" của mình dành cho Việt Nam, đất nước mà ông đã gắn bó qua nhiều thập kỷ.

Ngoài ra, ông Larguier cũng đang ấp ủ dự án về chú rối gỗ Pinocchio hợp tác với Nhà hát múa rối Việt Nam. Ông nhấn mạnh: "Múa rối nước Việt Nam có thể kể được rất nhiều câu chuyện. Múa rối nước kết hợp với các câu chuyện, các nhân vật của nhiều quốc gia khác nhau sẽ thúc đẩy sự đối thoại giữa các nền văn hóa, đây cũng chính là triết lý mà chúng tôi theo đuổi và phấn đấu."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục