Bài 3: Tạo chuỗi, kết nối và nâng tầm các sản phẩm du lịch Đông Nam Bộ

Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch, nhìn từ Đông Nam Bộ

Kết nối du lịch văn hóa Đông Nam Bộ nói riêng để tạo sự phát triển bền vững càng được xem là giải pháp quan trọng nâng tầm điểm đến, tạo hành trình hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng.
Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch, nhìn từ Đông Nam Bộ ảnh 1Di chỉ Vòng thành Đá Trắng thuộc địa phận ấp Gò Cát, xã Phước Thuận (Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: TTXVN phát)

Đối với hoạt động du lịch, việc kết nối, mở rộng không gian phát triển là việc rất cần thiết. Kết nối du lịch văn hóa - một trong những loại hình du lịch chủ đạo của du lịch Việt Nam nói chung, Đông Nam Bộ nói riêng để tạo sự phát triển bền vững càng được xem là giải pháp quan trọng nâng tầm điểm đến, tạo hành trình hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng.

Tạo chuỗi, kết nối thành hành trình hấp dẫn

Từ góc độ doanh nghiệp trực tiếp thiết kế, khai thác nhiều tour du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ du khách, nhất là du khách quốc tế, ông Phạm Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lux Group, cho rằng Di sản Văn hóa chính là “mỏ kim cương” vô tận. Từ đó, du lịch văn hóa có thể dễ dàng kết nối, khai thác các loại hình du lịch cao cấp như du lịch golf, nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe, đăng cai các sự kiện lớn về du lịch thể thao...

Theo đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, các điểm đến gắn với di tích, lễ hội, loại hình nghệ thuật, nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực thể hiện bản sắc văn hóa luôn là những điểm nhấn để ngành Du lịch thành phố, các địa phương trong vùng kết nối, hoàn thiện đưa vào các tour, tuyến liên kết, đưa du khách đến trải nghiệm nhiều sắc thái văn hóa trong cùng một hành trình.

Các tour du lịch liên kết như Thành phố Hồ Chí Minh-Tây Ninh-Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới," “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ" hay Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông;" Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu với tên gọi “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”... được nhiều doanh nghiệp khai thác thời gian qua, góp phần tạo sự hấp dẫn cho du lịch toàn vùng.

Nhấn mạnh chiến lược phát triển du lịch, ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, cho biết giai đoạn 2023-2025, tỉnh có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, kết nối, khẳng định thương hiệu du lịch Tây Ninh.

Địa phương tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong và ngoài khu vực; xác định các điểm tham quan trọng điểm, có vai trò kết nối, lan tỏa và hệ thống lại danh mục các lễ hội đặc trưng, tiêu biểu. Từ đó, đưa ra cách thức thực hiện, tập trung quảng bá, khai thác hiệu quả các giá trị, yếu tố văn hóa, lịch sử, góp phần phát triển du lịch.

Tỉnh xác định 4 điểm tham quan trọng điểm là Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Núi Bà Đen, Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, Tòa thánh Cao Đài và Hồ Dầu Tiếng. Tỉnh xác định các điểm đến có vai trò kết nối, lan tỏa như Vườn Di sản ASEAN-Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Căn cứ Kháng chiến Động Kim Quang, địa điểm chiến thắng Tua Hai, Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Tháp Chót Mạt cùng nhiều lễ hội được tập trung kết nối, khai thác trong các tour, tuyến (như Lễ hội Xuân Núi Bà Đen, Hội Yến Diêu Trì, Lễ Vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Lễ hội Nghề làm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Lễ hội Nghệ thuật Chế biến Món ăn chay…).

Được biết đến là địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp, vị trí liền kề Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai lựa chọn phát du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, phát huy các sản phẩm du lịch tham quan di tích, trải nghiệm sinh thái gắn với các kỳ nghỉ cuối tuần của người lao động, du khách.

Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch, nhìn từ Đông Nam Bộ ảnh 2Đoàn thuyền tham gia Lễ hội Nghinh Long vị Ông Nam Hải trên biển. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Nguyễn Hồng Ân đề xuất tỉnh có mật độ rừng xếp vào loại cao của cả nước, có Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, hồ Trị An và nhiều Di sản Văn hóa. Bên cạnh đó, con Sông Đồng Nai có nhiều đặc trưng văn hóa của những làng nghề, cộng đồng dân cư sinh sống hai bên bờ. Nếu từ Sông Đồng Nai, tỉnh phát triển tuyến du lịch gắn với các Di sản, nét văn hóa ở hai bên bờ sông cùng với các sản vật như bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh sẽ góp phần nâng tầm du lịch địa phương, góp phần vào sự phát triển du lịch của vùng.

Với quan điểm đẩy mạnh liên kết, nhất là giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ sẽ tạo đà phát triển mạnh cho du lịch, trong đó có du lịch văn hóa, đại diện Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết Trung tâm phối hợp với các đơn vị tăng cường khảo sát, thiết lập tour du lịch mới với nhiều điểm tham quan thắng cảnh, gắn với các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề. Ví dụ như tour du lịch bằng tàu hỏa, với điểm xuất phát và điểm trở về linh hoạt tại các ga tàu ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương (ga Dĩ An) hay Đồng Nai (ga Biên Hòa, ga Long Khánh).

[Du lịch Nam Bộ vững nhịp phục hồi, sẵn sàng bứt phá]

Các tour du lịch đường bộ như “Hào khí Miền Đông," hành trình Về nguồn bằng tuyến du lịch đường sông, đến thăm Khu di tích Địa đạo Củ Chi ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó đến làng Tre Phú An, Di tích Lịch sử địa đạo Tây Nam Bến Cát, viếng chùa Hội Khánh, nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, thăm làng Sơn mài Tương Bình Hiệp ở Bình Dương... đang mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới gắn với lịch sử, văn hóa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.

Nâng tầm phát triển

Đề cập về phát triển du lịch Đông Nam Bộ trên cơ sở các lợi thế, đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa, Di sản Văn hóa phi vật thể, nhiều chuyên gia cũng phân tích, vị trí nằm liền kề Đồng bằng Sông Cửu Long, cửa ngõ phía Tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua mạng lưới đường bộ xuyên Á, phía Đông có hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thị Vải, khu vực Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, đặc biệt là du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, hiện nay du lịch ở nhiều địa phương Đông Nam Bộ phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thời gian lưu trú của du khách còn ngắn, trải nghiệm chưa phong phú, đa dạng.

Để tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, trong đó có ngành kinh tế tổng hợp là du lịch, tại Nghị quyết số 154-NQ/CP, ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp đối với du lịch. Đó là khai thác mạnh tiềm năng, lợi thế, đa dạng hóa loại hình du lịch khu vực Đông Nam Bộ (du lịch tâm linh, lịch sử truyền thống, sinh thái, du lịch biển…), thúc đẩy liên kết nâng cao chuỗi giá trị du lịch của vùng, hình thành các khu du lịch mang tầm quốc tế.

Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, Đông Nam Bộ là một trong bảy vùng phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch cả nước, là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, là hạt nhân then chốt của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Đây chính là những định hướng lớn, góp phần mở ra hướng phát triển mới cho du lịch Đông Nam Bộ; trong đó các sản phẩm du lịch văn hóa là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dâ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh khẳng định tỉnh coi tài nguyên văn hóa là vốn quý để từ đó phát triển du lịch. Bên cạnh thế mạnh du lịch gắn với Biển, Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu còn là điểm đến với nhiều Di sản Văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, thu hút du khách. Trong giai đoạn phát triển mới, để góp phần xây dựng, phát triển Đông Nam Bộ, địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; tập trung phát triển du lịch chất lượng cao.

Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí, sản phẩm du lịch tham quan di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa; sản phẩm du lịch gắn liền với tín ngưỡng tâm linh tiếp tục là những thế mạnh.

Tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với nâng cao chất lượng để địa phương đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Địa phương xây dựng kiến tạo hệ thống giá trị văn hóa du lịch, bao gồm các nội dung chủ yếu như bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa trên địa bàn, xây dựng văn hóa du lịch theo các chuẩn mực văn minh, tiến bộ, đóng góp vào phát triển du lịch vùng và nâng cao vị thế du lịch Việt Nam.

Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch, nhìn từ Đông Nam Bộ ảnh 3Dinh Cô tại thị trấn Long Hải (Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung chia sẻ tỉnh xác định việc đầu tư các sản phẩm chủ lực về du lịch văn hóa phải có tính đặc trưng, khác biệt, sản phẩm mới phù hợp xu hướng du lịch trong nước và thế giới.

Thời gian tới, Bình Phước tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch văn hóa trọng điểm, có tiềm năng. Trong đó, đối với loại hình du lịch gắn với di tích lịch sử, Di sản Văn hóa, tỉnh phát huy giá trị của các di tích như Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam với các sản phẩm tham quan tìm hiểu, khám phá lịch sử, du lịch về nguồn; du lịch dã ngoại và tham quan động vật hoang dã; trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí tại Công viên safari Tà Thiết.

Địa phương phát huy các sản phẩm du lịch tại Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo, các lễ hội truyền thống, nghỉ dưỡng, tìm hiểu đời sống cộng đồng... Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, tăng thời gian lưu trú trung bình của du khách từ khoảng 1,07 ngày/khách (hiện nay) lên 1,45 ngày/khách (năm 2030).

Với Tây Ninh, xác định du lịch là một trong những đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; trong đó, điểm nhấn là các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với Khu di tích Lịch sử Văn hóa-Danh thắng và Du lịch Núi Bà Đen. Tỉnh chú trọng việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm mới mang nét đặc trưng văn hóa độc đáo của địa phương, quan tâm đến sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, đưa Tây Ninh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của đất nước - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Võ Đức Trong cho biết.

Nhìn nhận tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, trong đó xác định các sản phẩm du lịch văn hóa từ mạch nguồn di sản là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo, đề ra các định hướng, giải pháp đồng bộ, du dịch Đông Nam Bộ sẽ có những bứt phá mới, góp phần phát triển nơi đây trở thành vùng kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước./.

Bài 1: Từ mạch nguồn di sản đến sản phẩm du lịch: Bảo tồn và phát triển 

Bài 2: Hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc từ các di sản

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.