Tưởng nhớ kiến trúc sư Ba Lan có công lớn trong bảo tồn di tích Huế

Kiến trúc sư người Ba Lan Kazimiers Kawiatkowski, với tên gọi thân mật là Kazik - đã trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất Huế khi đang thực hiện dang dở dự án bảo tồn trùng tu Thế Miếu-Đại Nội Huế.
Tưởng nhớ kiến trúc sư Ba Lan có công lớn trong bảo tồn di tích Huế ảnh 1 Các đại biểu Việt Nam và Ba Lan cùng chụp ảnh tại lễ tưởng niệm. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 19/3 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam tổ chức tưởng niệm 20 năm ngày mất của kiến trúc sư Kazimiers Kawiatkowski (Ba Lan), người có công lớn trong bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Bà Barbara Szymanowska, Đại sứ Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, các lãnh đạo địa phương và đông đảo nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến dự lễ.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Phan Thanh Hải nhấn mạnh vào đúng ngày này 20 năm trước (ngày 19/3/1997), một đồng nghiệp, một người bạn của di sản văn hóa Việt Nam - kiến trúc sư người Ba Lan Kazimiers Kawiatkowski, với tên gọi thân mật là Kazik - đã trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất Huế khi đang thực hiện dang dở dự án bảo tồn trùng tu Thế Miếu-Đại Nội Huế.

Tưởng nhớ kiến trúc sư Ba Lan có công lớn trong bảo tồn di tích Huế ảnh 2Đại Nội Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Nhắc đến Kazik là nhắc đến những cống hiến của ông dành cho di sản văn hóa, một người hết lòng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Ông đã góp phần rất lớn trong việc đưa quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Dự án cuối cùng mà kiến trúc sư Kazik tham gia là dự án bảo tồn trùng tu di tích Thế Tổ Miếu-Đại Nội Huế do Chính phủ Ba Lan tài trợ. Kiến trúc sư Kazik đã phối hợp với nhóm kỹ thuật Việt Nam lập hồ sơ và thi công công trình. Tuy nhiên, ông ra đi đột ngột trong khi công trình Thế Tổ Miếu đang trùng tu dang dở. Ông mất vào ngày 19/3/1997 tại Huế.

"Chúng tôi đã học hỏi được những kinh nghiệm quý báu từ ông - người đã đưa kiến thức và kỹ thuật trùng tu di tích của Ba Lan đến Việt Nam. Ông đã làm tất cả với niềm đam mê, sự cống hiến, cùng với sự hiểu biết vững chắc và chuyên nghiệp trong suốt 17 năm không ngừng nghỉ," Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhấn mạnh.

Sau dự án tài trợ từ Chính phủ Cộng hòa Ba Lan vào năm 1997 đối với dự án bảo tồn, tu bổ di tích Thế Tổ Miếu và chương trình khảo sát, lập dự án bảo tồn tôn tạo Nhà Tả Vu, từ năm 2010 đến nay, những chương trình dự án hợp tác giữa Chính phủ Ba Lan dành cho di sản Huế tiếp tục được quan tâm và triển khai có hiệu quả.

Điển hình như Dự án bảo tồn và dựng nhà che bia khuyến học của di tích Quốc Tử Giám kết hợp đào tạo bảo tồn đá tại di tích Huế (vào năm 2010); dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo công trình Linh tinh môn-Văn Miếu Huế kết hợp tập huấn đào tạo bảo tồn (vào năm 2011); dự án tập huấn bảo tồn cho chuyên gia của các khu di sản ở Việt Nam (vào năm 2012); dự án bảo tồn trùng tu và đào tào kỹ thuật tại công trình Bi Đình-lăng Tự Đức thuộc khu di sản Huế (vào năm 2012-2013).

Có thể nói những đóng góp của kiến trúc sư Kazik nói riêng và các chuyên gia Ba Lan nói chung là những đóng góp đầu tiên của chuyên gia quốc tế dành cho công tác bảo tồn, tu bổ các di sản văn hóa Huế, khởi đầu cho sự quan tâm, những chương trình hợp tác, tài trợ từ các tổ chức quốc tế.

Ông cũng là người có công lớn trong việc phát triển hợp tác văn hóa hữu nghị giữa Ba Lan và Việt Nam nói chung và giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế với các chuyên gia, địa phương thuộc Cộng hòa Ba Lan nói riêng. Những đóng góp này đã thắt chặt và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Ba Lan..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục