Tuyên Quang: Đón vị khách thứ 30.000 tham quan Khu di tích Tân Trào

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón 200 đoàn khách với 30.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Tuyên Quang: Đón vị khách thứ 30.000 tham quan Khu di tích Tân Trào ảnh 1Đoàn khách thứ 200 đến từ tỉnh Kiên Giang thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN)

Ngày 12/2, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, tổ chức chương trình chào mừng đoàn khách thứ 200 (đoàn khách đến từ tỉnh Kiên Giang) và vị khách thứ 30.000 đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Đây là hoạt động kích cầu du lịch nội địa sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Vị khách thứ 30.000 đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trong dịp đầu năm 2022 là chị Nguyễn Thị Vân Anh, đến từ thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón 200 đoàn khách với 30.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

So với cùng kỳ năm 2021, lượt khách đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào tăng đột biến.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào có tổng diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 2.500ha, thuộc phạm vi hành chính 5 xã của huyện Sơn Dương và 1 xã của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Để phục vụ du khách đến tham quan Khu di tích, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã và đang tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn và phát triển các lều trại mang tính dân tộc, nhà dân (homestay)..., từng bước xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia.

[Tuyên Quang chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn]

Bên cạnh đó, với mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh các giải pháp quảng bá du lịch, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030."

Tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục tập trung huy động nguồn lực, trọng tâm là lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp và trong nhân dân để đầu tư, hỗ trợ cho các chương trình, đề án phát triển du lịch; giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, các điểm dừng chân, bãi đỗ phương tiện đường bộ, các điểm "check-in" hấp dẫn tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình; Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm...

Tỉnh tập trung thu hút các dự án đầu tư khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch: du lịch ngắm cảnh lòng hồ; trải nghiệm tham quan rừng đặc dụng; khám phá hang động; leo thác…

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 làng văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu xã hội từ du lịch trên 4.800 tỷ đồng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.