Tuyệt đối không được để người dân bị đói, khát sau mưa lũ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh tuyệt đối không được để người dân đói, khát sau sự cố mưa lũ vừa qua; cần tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ.
Tuyệt đối không được để người dân bị đói, khát sau mưa lũ ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát công tác phòng chống mưa lũ tại Mỏ than Hà Tu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuyệt đối không được để người dân đói, khát sau đợt mưa lũ vừa qua là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhân dân tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử, vào chiều 31/7, tại thành phố Hạ Long.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với những khó khăn, mất mát tỉnh Quảng Ninh gặp phải trong những ngày qua; đồng thời, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng các bộ, ngành, các lực lượng quân đội trong việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, giảm bớt thiệt hại trên địa bàn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh Quảng Ninh tuyệt đối không được để người dân đói, khát sau sự cố mưa lũ vừa qua; cần tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh đường phố, đề phòng dịch bệnh; huy động các lực lượng sửa chữa nhà cho dân; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi nhân dân. Cùng với đó, theo dõi diễn biến thời tiết để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra tình huống mới.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần đảm bảo giao thông, vận tải cho nhân dân và khách du lịch, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp chỉ đạo cụ thể để hỗ trợ kịp thời cho tỉnh Quảng Ninh trong vấn đề này. Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện đảm bảo nguồn điện cho nhân dân, chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đảm bảo an toàn hầm lò, xem xét các phương án đối với khu vực nguy hiểm xảy ra.

Phó Thủ tướng đồng ý với chủ trương của tỉnh Quảng Ninh thực hiện di dời một số khu dân cư, xem xét quy hoạch dân cư tại một số vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở như tại một số thôn, bản, vùng sâu hay tại các bãi thải của ngành than, từ đó có những phương án kế hoạch cụ thể lâu dài; đề nghị ngành than nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo khôi phục sản xuất.

Bộ Tài chính tập hợp các kiến nghị, đề xuất, sớm trình Chính phủ giải quyết kịp thời cho tỉnh Quảng Ninh; trong đó, tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng mà tỉnh Quảng Ninh đề nghị. Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ động, sáng tạo, đoàn kết, sớm vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Tại buổi gặp gỡ, thăm hỏi, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành nêu khuyến cáo để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề phòng các nguy cơ mới có thể xảy ra do tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các khu vực chân bãi thải, các hồ đập, khu vực đồi núi dễ sạt lở.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Quảng Ninh hỗ trợ cho người lao động, công nhân ngành than phải tạm dừng sản xuất trong thời gian vừa qua và nhiều ngày tới.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, tính đến 16 giờ ngày 31/7, mưa lớn kéo dài năm ngày qua trên địa bàn đã khiến 17 người chết, 28 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, gần 6.000 ngôi nhà bị ngập lụt; hàng nghìn hécta lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thuỷ sản chìm trong nước; nhiều hầm lò bị ngập, trôi than. Thiệt hại về tài sản khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngành than thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ủy ban Nhân dân Quảng Ninh đề nghị được hỗ trợ 100 tấn gạo để đảm bảo lương thực chống đói cho người dân, hai xuồng cao tốc, 50 nhà bạt và trước mắt là 100 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp hệ thống giao thông huyết mạch. Đồng thời hỗ trợ nguồn lực để phục vụ di dân hoàn toàn đến nơi ở mới cho 27 hộ dân tại Bản Sen (Vân Đồn), 29 hộ dân ở Mông Dương (Cẩm Phả), hơn 200 hộ dân chân bãi thải Đông Cao Sơn.

Sau mưa lũ, đã có rất nhiều đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm cứu trợ, hỗ trợ thiết thực cho người dân Quảng Ninh. Tính đến 16 giờ ngày 31/7, đã có 175 tổ chức, đơn vị đăng ký ủng hộ với số tiền trên 51 tỷ đồng.

Hiện nay, Quảng Ninh vẫn đang khẩn trương tiến hành các công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, bố trí các lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống mới. Các khu vực nước đã rút tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc đề phòng dịch bệnh, ổn định cuộc sống nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục