Nghe danh đã lâu nhưng phải khi đặt chân đến ngôi nhà nhỏ xinh của nghệ nhân Mai Hạnh, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nhan sắc khiến “hoa ghen thua thắm” của "nữ hoàng hoa lụa" đất Hà Thành. Người xưa bảo “người sao của chiêm bao là vậy”, như những đóa hoa lụa, dù đã mấp mé mùa thu cuộc đời nhưng sức sống bàn tay và nét mặt của “nữ hoàng” vẫn không bị kẻ thù thời gian làm phai dấu... Hoa giả mà ngát… hương Bước chân vào căn nhà nhỏ chưa đầy 10 mét vuông của nghệ nhân Mai Hạnh tại số 5, phố Chả Cá, Hà Nội nhưng cảm giác như đi lạc vào một rừng hoa khoe sắc. Say sưa kể về ý nghĩa từng loài hoa, mười ngón tay nghệ nhân Mai Hạnh vẫn thoăn thoắt uốn những cánh sen hồng… Bà kể về mối nhân duyên bị “ép” làm hoa, dù đây là nghề “cha truyền con nối.” “Năm đó, cô mới 13 tuổi thôi. Mẹ cô là nghệ nhân hoa lụa Đoàn Thị Thái. Trên đường đi sơ tán, cô bị thương ở chân và những bông hoa lụa trở thành người bạn với hai bàn tay.” Đến nay đã hơn 50 năm trong nghề, dường như chưa bao giờ nghệ nhân Mai Hạnh làm hoa theo kỹ xảo của một người thợ quen tay, lành nghề. Bà bảo “Hoa lụa là hoa giả nhưng nếu không thổi hồn của người thợ vào đó, đóa hoa chỉ như nhúm vải vô hồn, lạnh lẽo.” Cũng vì lẽ đó nên điều thú vị trong nghệ thuật chơi hoa lụa mà những “kẻ ngoại đạo” ít biết, là hoa lụa cũng có… hương thơm.
Nghệ nhân Mai Hạnh thời còn trẻ. “Muốn hoa khôn, người làm hoa phải là nghệ sỹ, nhưng muốn hoa lụa tỏa hương thơm thì người chơi phải có tâm hồn. Hoa lụa mới đầu vẫn còn dại. Hoa lụa đẹp nhất là sau khi cắm hai đến ba năm, không chỉ bền về sắc hoa mà còn đượm cái hồn chủ nhân,” nghệ nhân Mai Hạnh tiết lộ. Đang bán tín bán nghi, thì câu chuyện bàn tán của hai người khách hàng như xua tan những vẩn vơ trong đầu tôi: “Đi khắp rồi, hoa lụa Mai Hạnh là đẹp nhất. Năm nào chị cũng mua về cho họ hàng ở quê, các cụ mê lắm vì hoa giả mà như thật. Nhất là cúc, cắm trên bàn thờ tổ tiên hai, ba năm nay vẫn như vừa mua ở chợ. Thích thế…" Không chỉ nổi tiếng cánh “bàn tay lụa” uốn hoa được ví như như rồng múa phượng bay, nghệ nhân Mai Hạnh còn có bí quyết trong nghệ thuật sáng tạo ra sắc hoa. “Để hoa lụa có màu sắc sống động và bền như hoa thật, đòi hỏi kỹ thuật pha màu, vẽ công phu, chuẩn xác.” Sau khi sơ tán trở về, nghệ nhân Mai Hạnh may mắn được học một lớp về hội họa của họa sĩ nổi tiếng Đào Viết Song. “Tôi vẫn nhớ thầy khuyên tôi đi theo nghề hội họa. Họa sĩ thì nhiều nhưng nghệ nhân về hoa lụa chỉ có một không hai, mẹ em đứng đầu rồi thì giờ em như thế nào…” Chính câu nói đó đã thôi thúc nghệ nhân Mai Hạnh không ngừng phấn đấu, tìm tòi sáng tạo ra hàng nghìn mẫu hoa mới, trở thành “nữ hoàng hoa lụa” chốn Hà Thành. Mới ngày nào, cô con gái út của Nghệ nhân Đoàn Thị Thái thủ thỉ với mẹ “Con mơ thấy mình làm được những bông hoa giả mềm mại như hoa thật”. Đến ngày được tôn vinh thành nghệ nhân hoa lụa khi mới tròn 35 tuổi và cả cho đến bây giờ, ai từng chơi và sành về hoa lụa, đều biết hoa sen Mai Hạnh không đâu sánh bằng. Để sen lụa thật như ở đầm, nghệ nhân Mai Hạnh đã nghĩ ra lấy bột thạch cao để chấm lên nhụy hoa cho giống những hạt phấn hoa li ti. Chất bột này rất hiệu quả bởi nó vừa kết dính lại vừa giống y hệt phấn hoa. Cách nhuộm cánh hoa bà Hạnh làm cũng khác, không chỉ nhuộm thông thường mà còn làm các tông màu cho thật chuẩn. Nhờ vậy, hoa sen lụa dưới bàn tay tài hoa của bà mang vẻ đẹp thuần khiết, có cả đài, nhụy và phấn hoa, cánh sen được nhuộm màu hồng, càng lên trên gần đài sen càng nhạt dần thật nhẹ nhàng, thanh thoát. “Đầu bạc răng long” với… hoa Cùng thăng trầm với hoa lụa đất Hà Thành, hơn ai hết, bà là người hiểu sâu sắc thú chơi hoa của người Hà Nội. "Ngày trước, các mẫu hoa ít hơn, nguyên liệu làm hoa lụa cũng không sẵn có như bây giờ, thậm chí, gia đình tôi còn phải làm hoa từ những mớ vải tiết kiệm. Thế nhưng, người xưa chơi hoa lại rất sành, chơi lấy tinh hoa chứ không vì số lượng. Ví như vào dịp tết, chỉ cần một cành đào nhỏ trong nhà, thế nhưng cành đào ấy phải được làm chuẩn đến từng chi tiết. Hoa lụa ngoài có sắc còn phải có mùi. Chơi thế mới sang!” Nghệ nhân mai Hạnh chia sẻ “bây giờ công nghệ hiện đại, hoa lụa làm bằng máy của Trung Quốc… cũng rất được ưa chuông và muôn hình vạn trạng, đủ màu, đủ sắc nhưng hoa lụa làm bằng tay bao giờ cũng mềm mại và bền sắc hơn.” Cũng vì quá yêu hoa, trải qua bao thăng trầm với nghiệp hoa mà ít người biết rằng “nữ hoàng hoa lụa” Mai Hạnh đã phải đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã và cay đắng của người đàn bà. Thói đời, “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” dù được trời ban cho nhan sắc đủ khiến “hoa ghen thua thắm” nhưng bà không níu giữ được người bạn đời vì trót lỡ yêu hoa. Bao nhiêu năm nay, “nữ hoàng hoa lụa” vẫn lặng lẽ đi về một mình căn nhà nhỏ, đêm đêm lọ mọ bên ánh đèn, uốn từng cánh hoa xinh… “Trời không cho ai hết mọi thứ con ạ mà lòng người luôn tham lam. Ai cũng muốn được toàn tâm, trọn ý tôn thờ đam mê của mình mà vẫn được chăm sóc, yêu thương thì không có thực trên đời này. Nên đành vậy, mình đã chọn hoa thì sống đến đầu bạc răng long với hoa…” nghệ nhân Mai Hạnh cười buồn, nói. Không chỉ tận tụy, dốc hết tâm sức, hạnh phúc riêng để phát triển nghề hoa lụa, nghệ nhân Mai Hạnh còn góp một phần không nhỏ vào việc quảng bá nghề hoa truyền thống đến rất nhiều nước trên thế giới. Mỗi chuyến đi, bằng đôi bàn tay “rồng bay phượng múa” sáng tạo nên những bông hoa lụa xuất thần, Mai Hạnh đã khiến bạn bè thế giới phải ngỡ ngàng, nể phục. Đến mỗi nơi, bà lại tìm tòi về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc đó, để mỗi cánh hoa mang hồn phách nước Việt không bỡ ngỡ, lạc lõng nơi xứ người. Đến giờ, bà vẫn nhớ kỷ niệm khi đưa hoa lụa đến trình diễn tại Nhật Bản. Bên cạnh 12 nghệ nhân các nước châu Á, họ đều có máy dập, một lần làm ra tới 20 cánh hoa. Trong khi đó, Mai Hạnh trong tay chỉ có một cây kéo, nghĩa là làm thủ công. Nhưng chính điều đó lại gây kinh ngạc với người xem. Đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn đầy biến hóa đã tạo nên nét riêng đặt biệt của hoa lụa Việt Nam. Không chỉ khiến người dân Nhật Bản được “mở mang tầm mắt” với nghệ thuật hoa lụa, nghệ nhân Mai Hạnh còn để lại dấu ấn bởi cốt cách của người phụ nữ Việt khi ngồi bó gối suốt mười hai giờ đồng hồ trổ tài "múa hoa". Nghệ nhân Mai Hạnh nhắc nhớ lại kỷ niệm in dấu ấn nghệ thuật hoa lụa tại đất nước Hoa anh đào: “Qua tìm hiểu, cô biết người phụ nữ Nhật truyền thống chuẩn mực phải ngồi bó gối trong ba tiếng. Họ ngồi ba tiếng thì mình ngồi mười hai tiếng (cười). Khi trình diễn múa hoa lụa, cô cũng lo lắng đến bủn rủn chân tay vì sợ mình không làm được như… máy. Ấy vậy, cô lại nhận được nhiều sự cổ vũ nhất và hoa lụa Việt Nam cũng nhận được nhiều lời trầm trò, tán thưởng nhất. Giây phút đó, hạnh phúc và tự hào cho người Việt Nam mình lắm con ạ.” Trong nghiệp làm hoa của Mai Hạnh, bà vẫn đau đáu việc bảo tồn và duy trì nghệ thuật hoa lụa trong tương lai. Với bà, giữ được nghề đã khó nhưng để nghề không thất truyền thì lại càng khó hơn. Chính vì vậy, trong suốt những năm qua, bà đã đến không ít ngôi trường, làng hữu nghị truyền nghề cho biết bao học sinh, tạo công ăn việc làm cho các em mồ côi, tàn tật. Thậm chí bà còn dạy cho cả những du khách nước ngoài có niềm đam mê với nghệ thuật hoa lụa. Đi đến đâu, bà Hạnh cũng để ý kỹ lưỡng các loài hoa đặc trưng của đất nước đó để về thực hiện bằng hoa lụa cho thật giống như hoa tulip của Hà Lan, hoa hồng xanh của Nga, phong cách cắm hoa của Nhật… Nghệ nhân Mai Hạnh nói rằng: “Dù thật đến đâu, hoa lụa cũng là hoa giả. Vì vậy muốn thổi sức sống tâm hồn và bàn tay nghệ nhân vào đó không thể làm rập khuôn như một người thợ mà phải tỉa tót, nâng niu như người nông dân yêu hoa cỏ.”/.