Tỷ lệ lạm phát tại khu vực Eurozone giảm tháng thứ 2 liên tiếp

Trong 20 quốc gia sử dụng đồng euro, Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp nhất là 5,6%; Đức và Pháp đều ghi nhận lạm phát giảm trong tháng 12, làm tăng thêm hy vọng EU có thể đã qua đỉnh lạm phát.
Tỷ lệ lạm phát tại khu vực Eurozone giảm tháng thứ 2 liên tiếp ảnh 1Người dân mua sắm trong siêu thị tại Bordeaux, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 6/1 cho biết tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp, xuống còn 9,2% trong tháng 12/2022.

Mức lạm phát trên thấp hơn con số 10,1% trong tháng 11. Trước đó, lạm phát ghi nhận trong tháng 10 là 10,6%, cao gấp 5 lần so với mục tiêu lạm phát mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.

Trong tháng 12, chi phí năng lượng đã tăng 25,7%, so với mức tăng 34,9% trong tháng 11. Giá đồ uống và thực phẩm cũng tăng.

[Triển vọng kinh tế Eurozone có thể khả quan hơn dự báo]

Chủ tịch ECB Christine Lagarde hồi tháng trước cam kết sẽ kiềm chế lạm phát, đồng thời cảnh báo Eurozone sẽ phải đối mặt với khả năng tăng lãi suất trong năm 2023 dù hy vọng rằng giá tiêu dùng đã đạt đỉnh.

Trong thông điệp ngày 23/12, bà Lagarde cho biết: “Chúng tôi đang tăng lãi suất và sẽ tiếp tục tăng, với tốc độ đều, cho đến khi đạt mức có thể đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2%”.

Trong số 20 quốc gia đang sử dụng đồng euro, bao gồm cả Croatia mới gia nhập tháng trước, Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp nhất là 5,6% trong tháng 12. Đức và Pháp đều ghi nhận lạm phát giảm trong tháng 12, làm tăng thêm hy vọng rằng Liên minh châu Âu có thể đã qua đỉnh lạm phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.