Tỷ lệ người Mỹ sở hữu nhà tụt xuống mức thấp kỷ lục trong 50 năm

Tỷ lệ người Mỹ sở hữu nhà ở liên tục sụt giảm do không trả được nợ mua nhà, tiền vay để học đại học, trong khi giá nhà ngày một đắt.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Từ năm 2012 đến nay, thị trường nhà ở tại Mỹ đã phục hồi, giúp thị trường bất động sản nói chung của nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng khởi sắc.

Tuy nhiên, mặt trái của sự phục hồi này là một phận không nhỏ tầng lớp trung lưu ở Mỹ không thể mua được nhà, dẫn đến nguy cơ tạo ra một thế hệ vĩnh viễn phải ở nhà đi thuê.

Tỷ lệ người Mỹ sở hữu nhà ở liên tục sụt giảm do không trả được nợ mua nhà, tiền vay để học đại học, trong khi giá nhà ngày một đắt khiến họ đành phải thuê nhà để ở, gây ra sự thất vọng trong hàng triệu người Mỹ.

Các nhà kinh tế từng dự đoán rằng tỷ lệ người Mỹ sở hữu nhà sẽ bắt đầu nhích lên trong năm nay, song kết quả lại là tỷ lệ này trong quý 2 tụt xuống mức thấp nhất trong 51 năm qua là 62,9%, so với mức 63,4% của cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ này thậm chí còn có thể giảm xuống còn 58% hoặc thấp hơn nữa vào năm 2050. Lý do chính mà các nhà kinh tế đưa ra là các quy định về thế chấp nhà ở ngày càng bị thắt chặt, đặc biệt là đối với những người chưa thanh toán được hết nợ đại học hay nợ thẻ tín dụng hoặc những người trẻ tuổi chưa có "bề dày" về hồ sơ tín dụng.

Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội các nhà bất động sản quốc gia, giá nhà tại 178 thị trường bất động sản chủ chốt của Mỹ đã tăng 83% trong quý 2 năm nay. Giá nhà nhìn chung chỉ thấp hơn 2% so với mức cao điểm vào tháng 7/2006.

Các nhà kinh tế cho biết sở dĩ giá nhà tăng chủ yếu là do nguồn cung mới khan hiếm, chứ không phải do lượng người mua nhà tăng đột biến. Tốc độ xây nhà mới vẫn ở mức thấp của thời kỳ suy thoái trong khi tỷ lệ người sở hữu nhà trong quý 2 đứng mức thấp nhất kể từ khi Cơ quan thống kê bắt đầu theo dõi số liệu hàng quý vào năm 1965 và thị phần của các thương vụ mua nhà lần đầu tiên đang kẹt ở mức thấp nhất trong 3 thập niên qua.

Cũng theo các nhà kinh tế Mỹ, chính những lo lắng về nhà ở và sự thất vọng trước sự phục hồi kinh tế không đồng đều tại Mỹ là nguyên nhân chính làm rung chuyển mùa bầu cử năm 2016, khiến nhiều cử tri chuyển sang ủng hộ 2 ứng cử viên đưa ra những đề xuất mang tính "nổi loạn" là ông Donald Trump và Bernie Sanders./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục