Tỷ lệ thất nghiệp 1,84%: Đúng chuẩn nhưng chưa phản ánh đầy đủ

Các chuyên gia của Tổ chức lao động Quốc tế cho rằng bản chất của tỷ lệ thất nghiệp hiện nay không phản ánh hết được đặc điểm của thị trường lao động và sự lãng phí lực lượng lao động.
Người lao động sẵn sàng chấp nhận công việc chất lượng kém chứ không chịu thất nghiệp. (Ảnh minh họa: Hồng Kiều/Vietnam+)

Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cả nước chỉ ở mức 1,84% (số liệu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố) là con số quá lạc quan về thị trường lao động. Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lại cho rằng quá trình thống kê, tính toán tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Mặc khác, các chuyên gia của ILO cũng nhận định, bản chất của tỷ lệ thất nghiệp không phản ánh hết được đặc điểm của thị trường lao động và sự lãng phí lực lượng lao động.

Tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế

Khái niệm quốc tế về thất nghiệp hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới ngày nay xuất phát từ Nghị quyết của Hội nghị Thống kê Lao động Quốc tế (ICLS) lần thứ 13 năm 1982. Hiện nay, khái niệm này được sử dụng phần lớn các nước trên thế giới, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Ông Tite Habiyakare, Chuyên gia về thống kê lao động, ILO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khẳng định số liệu về thất nghiệp ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê thu thập và xử lý qua các cuộc điều tra lao động, việc làm định kỳ hoàn toàn tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Tite Habiyakare cho biết, theo tiêu chuẩn quốc tế, người thất nghiệp là những người ở độ tuổi nhất định (chẳng hạn từ 15 tuổi trở lên) mà trong thời gian khảo sát (thường là trong 7 ngày trước đó) đáp ứng tất cả 3 điều kiện: Không có việc làm (tức là không làm việc được trả lương dù chỉ là một giờ, không làm việc làm công ăn lương hoặc việc tự làm), sẵn sàng làm việc và đang tìm việc.

Như vậy, thất nghiệp bao gồm những người thiếu việc làm và phải đang tìm việc. Khái niệm thất nghiệp chỉ dành cho những người lao động đang sẵn sàng làm việc.

Mặt khác, lý giải nguyên nhân tại sao tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thấp, ông Phú Huỳnh, Chuyên gia kinh tế lao động, ILO tại châu Á-Thái Bình Dương phân tích, ở những quốc gia với những hạn chế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội khác, đơn giản là nhiều người không thể tồn tại nổi nếu bị “thất nghiệp”.

“Họ phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách, và thông thường họ chấp nhận làm những công việc chất lượng kém, trả lương thấp trong nền kinh tế phi chính thức hoặc chấp nhận những thỏa thuận làm việc một cách không chính thức,” ông Phú Huỳnh nói.

Ngược lại, theo ông Phú Huỳnh, ở những nước phát triển với hệ thống bảo trợ xã hội tiên tiến và mức sống cao hơn, người lao động có thể tồn tại trong hoàn cảnh thất nghiệp và dành thời gian đi tìm những công việc mà họ mong muốn.

Những định nghĩa mới về thất nghiệp, việc làm sẽ phản ánh đúng hơn về thị trường lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chưa thể hiện sự lãng phí lực lượng lao động

Mặc dù các chuyên gia cho rằng việc thống kê tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay không thể hiện được mức độ không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động.

“Tỷ lệ thất nghiệp chỉ có thể cho thấy số lượng những người không có việc làm nhưng sẵn sàng làm việc và đang tìm việc. Tỷ lệ thất nghiệp không tính đến những người muốn làm việc nhưng đã từ bỏ công cuộc tìm việc do không có việc phù hợp,” ông Tite Habiyakare nói.

Trước thực trạng này, các tiêu chuẩn quốc tế về thống kê việc làm gần đây đã thay đổi từ Hội nghị ICLS lần thứ 19 vào tháng 10/201. Các tiêu chuẩn quốc tế đã thay đổi theo hướng đưa ra các thông tin chính xác về tình trạng việc làm và đặc điểm của các thị trường lao động.

Hiện nay, ICLS đang khuyến khích các quốc gia mở rộng cách tính về việc không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động. Theo đó, phương pháp mới còn đưa thêm số người lao động muốn làm việc nhiều giờ hơn số giờ lao động thông thường và nhóm lao động thất nghiệp.

Đặc biệt, theo định nghĩa mới về việc làm tỷ lệ thất nghiệp sẽ thay đổi đáng kể. Những người có việc làm sẽ là những người làm việc ở một công việc được trả lương hoặc một việc tự kinh doanh để kiếm lợi nhuận trong khoảng thời gian ít nhất là một giờ trong giai đoạn khảo sát.

Khái niệm việc làm mới này sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể về tỷ lệ có việc làm đối với nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi phần lớn người lao động làm việc trong ngành nông nghiệp tự cung tự cấp với rất ít hoặc thậm chí không có sự kết nối với nền kinh tế thị trường.

“Khi định nghĩa mới được áp dụng, các cuộc điều tra về thị trường lao động sẽ đo lường được tốt hơn bộ phận thất nghiệp ở nền kinh tế thị trường thay vì bị lẫn lộn với ngành nông nghiệp tự cung tự cấp như hiện nay. Các số liệu sẽ chỉ ra được tình trạng không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động trong nền kinh tế,” ông Tite Habiyakare nhận định.

Xu hướng khảo sát mới sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách theo dõi tốt hơn sự chuyển dịch lực lượng lao động để từ đó cân nhắc áp dụng các chính sách nhằm phát huy tốt hơn lực lượng lao động sẵn có.

Theo ông Tite Habiyakare, Việt Nam là một trong các quốc gia sẽ đi tiên phong trong việc áp dụng các tiêu chuẩn mới về thống kê việc làm, nhưng việc thực hiện có thể cần một thời gian thử nghiệm. Trong lúc đó, những phương pháp thống kê hiện tại vẫn tiếp tục được giữ để giúp công chúng có thời gian để hiểu về những thay đổi trong công tác thống kê lực lượng lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục