UAE: OPEC và các liên minh sẽ nỗ lực tái cân bằng thị trường dầu mỏ

Bộ trưởng Năng lượng UAE al-Mazrouei cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm sản lượng hơn nữa có thể không phải là cách tốt nhất để thúc đẩy giá dầu đang trên đà lao dốc.
Một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Dammam, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Dammam, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suheil al-Mazrouei ngày 8/9 cho biết, các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để tái cân bằng thị trường dầu thô, vốn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như triển vọng không chắc chắc của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Suheil al-Mazrouei cảnh báo do tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa được giải quyết, việc cắt giảm sản lượng hơn nữa có thể không phải là cách tốt nhất để thúc đẩy giá dầu đang trên đà lao dốc.

Phát biểu tại Đại hội Năng lượng Thế giới kéo dài bốn ngày tại Abu Dhabi, Bộ trưởng năng lượng UAE nhấn mạnh việc cắt giảm sản lượng sâu hơn "không phải là một quyết định mà chúng ta có thể dễ dàng thực hiện."

Các nhà sản xuất dầu bị ảnh hưởng bởi “những mối quan ngại khác” ngoài vấn đề nhu cầu và nguồn cung.

[Giá dầu giảm do cuộc chiến thương mại và sản lượng của OPEC tăng]

Bộ trưởng Mazrouei cũng lưu ý rằng các lực đẩy thông thường dường như không còn tác dụng trong việc hỗ trợ giá dầu.

Ủy ban Giám sát cấp bộ chung (JMMC), do liên minh các nước sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thành lập nhằm giám sát thỏa thuận cắt giảm sản lượng, dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 12/9 tới tại Abu Dhabi (UAE) để đánh giá tình hình thị trường dầu mỏ.

Trong phiên ngày 6/9, giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở mức 61,54 USD/thùng, giảm so với mức hơn 75 USD/thùng trong cùng thời điểm năm 2018.

Các nước thành viên OPEC cùng các liên minh (còn goi là OPEC+) đã tiến hành cắt giảm sản lượng lớn để nâng giá dầu kể từ khi thị trường dầu lao dốc hồi giữa năm 2014.

Hồi tháng 6/2019, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày thêm sáu tháng. Tuy nhiên, động thái này đã không thể kìm giá “vàng đen” khỏi lao dốc do triển vọng bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc họp diễn ra trong một ngày của JMMC sẽ không đưa ra quyết định nào, nhưng nó có nhiệm vụ đánh giá và đưa ra các khuyến nghị cho cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo, được tổ chức vào tháng 12/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.