UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật thi hành án dân sự

Chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự.
UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật thi hành án dân sự ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục phiên họp thứ 30, chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật thi hành án dân sự.

Về đơn yêu cầu thi hành án, một số ý kiến đề nghị giữ 2 cơ chế như quy định hiện hành: cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự, tạo điều kiện để người được thi hành có thể lựa chọn về thời gian, phương thức thi hành án phù hợp.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị để cụ thể hóa quy định tại Điều 106 Hiến pháp, bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành, cơ quan có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án, không nên bắt buộc đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án.

Trường hợp người được thi hành án từ bỏ quyền lợi hoặc các bên đương sự tự thỏa thuận được việc thi hành án, họ làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định đình chỉ.

Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Tống Anh Hào, Điều 106 của Hiến pháp đã quy định rõ, bản án có hiệu lực, các cơ quan hữu quan phải có trách nhiệm thi hành. Vì vậy, đề nghị làm rõ việc tòa án ra quyết định thi hành án rồi cơ quan thi hành án lại ra quyết định có cần hay không, hay chỉ là thêm một thủ tục hành chính?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng, Hiến pháp đã quy định rõ, gi ờ lại thêm một khâu phải có quyết định, giao cho tòa án là không cần thiết. “Sửa đổi Luật này phải làm pháp luật nghiêm hơn, hiệu quả thi hành pháp luật phải cao hơn, bảo đảm khách quan, chính xác công bằng hơn chứ không nên có những quy định không phù hợp, không nên thêm thủ tục hành chính,” ông Phan Trung Lý nêu ý kiến.

Đối với quy định về xác minh điều kiện thi hành án, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi quy định này là nội dung rất quan trọng nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác thi hành án hiện nay.

Tán thành với quy định của dự án luật việc giao trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án cho chấp hành viên, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị dự án luật cần có quy định đề cao trách nhiệm của người phải thi hành án, người được thi hành án và các cơ quan tổ chức liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp kết quả xác minh của người được thi hành án khác với cơ quan thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự phải xác minh lại.

Bên cạnh đó, để bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện chế độ, chính sách, không nên bổ sung quy định việc bồi dưỡng cho chấp hành viên khi thực hiện xác minh.

Liên quan đến việc miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách Nhà nước, các đại biểu cho rằng dự án luật cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các điều kiện, thu hẹp hơn về phạm vi đối tượng được miễn, giảm thi hành án, theo đó, chỉ miễn giảm vì lý do nhân đạo cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn...

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để có thể trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII.

Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về khung chương trình kênh truyền hình Quốc hội. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục