UBTVQH: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thủy lợi

Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy lợi nêu rõ về phạm vi điều chỉnh của Luật.
UBTVQH: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thủy lợi ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy lợi và việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Rà soát để không quy định trùng lắp

Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy lợi nêu rõ về phạm vi điều chỉnh của Luật, Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo thấy rằng, việc ban hành Luật Thủy lợi được nâng cấp từ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nhằm tập trung giải quyết các vấn đề bất cập chủ yếu trong việc thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, do tính chất đa mục tiêu của công trình thủy lợi nên phạm vi điều chỉnh của Luật có một số vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng nước trong công trình thủy lợi, như cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ, kết hợp phát điện, khai thác du lịch...

Đối với các công trình chuyên dụng đã được điều chỉnh trong văn bản pháp luật khác như: công trình thủy điện, giao thông thủy, công trình cấp nước sinh hoạt... thì Luật Thủy lợi sẽ không điều chỉnh. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh những quy định trong dự thảo Luật thủy lợi không được trùng lắp nội dung với dự thảo Luật Quy hoạch đã quy định.

Cụ thể như Điều 11: Quy hoạch thủy lợi hay Điều 14: Trách nhiệm lập, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch điều chỉnh quy hoạch, công bố và quản lý thực hiện quy hoạch thủy lợi chưa tương thích với dự thảo Luật Quy hoạch.

Tán thành với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị Ban soạn thảo dự luật cần khẩn trương rà soát lại, tránh sự trùng chéo với các dự luật liên quan như Luật Bảo vệ môi trường hay Luật Tài nguyên nước...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ hệ thống tưới tiêu phải gắn với vấn đề về an ninh quốc phòng của đất nước theo từng cấp. Tuy nhiên vấn đề này được nhắc tới rất ít trong dự thảo luật nên Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định rõ về nội dung này.

Quan tâm tới những nội dung của dự thảo luật, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thấy rằng Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật cần làm rõ sự khác biệt giữa Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và dự thảo Luật Thủy lợi để thấy được sự cần thiết của việc ban hành luật này. Đồng thời dự thảo luật chưa nhắc tới vấn đề sử dụng tiết kiệm nước, nguồn tài nguyên quý giá của đất nước...

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo cần làm rõ hơn nữa về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đặc biệt là các hoạt động có liên quan tới nguồn nước, sông ngòi, tích nước, trách nhiệm quản lý nhà nước... cần được làm rõ trong dự thảo, không quy định chung chung như hiện nay; những nội dung nào quy định rõ được cần cụ thể ngay trong dự thảo, hạn chế giao lại Chính phủ quy định... ​

UBTVQH: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thủy lợi ảnh 2 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Xem xét một số cơ chế, chính sách, tài chính​-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh

Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh. 

Báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: Quy định như đề nghị của Chính phủ chưa thể hiện rõ cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố, thậm chí có quy định còn thắt chặt hơn.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương một phần không quá 70% số tăng thu ngân sách rrung ương từ các khoản thu phân chia và “thành phố được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.”

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố phải làm rõ tính tự chủ về ngân sách địa phương, cơ chế cho địa phương huy động các nguồn ngân sách thuộc phạm vi địa phương và quyền tự quyết định các khoản thu. Nhưng với những nội dung trong dự thảo, dù có được ban hành thì thành phố vẫn không có cơ chế nào để khai thác các nguồn lực, tăng nguồn thu, chủ động trong chi tiêu, nhất là huy động nguồn lực cho đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh về nguyên tắc, cơ chế đặc thù cần được xây dựng với tinh thần triển khai thực hiện triệt để các nội dung được nêu trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020...

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với đề nghị của thành phố: "Riêng thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán được giao thì tôi lại đồng ý với Thành phố Hồ Chí Minh. Tức là quy định luôn được thưởng vượt thu tương ứng với 30% và không vượt quá số tăng thu so với thực hiện năm trước; còn bổ sung có mục tiêu thì tương ứng 70%."

"Tôi nghĩ phải tạo động lực, quy định đặc thù để thành phố thu nhiều hơn, tạo nguồn lực nhiều hơn cho ngân sách," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình và đề nghị, các cơ chế, chính sách cần có điểm mới so với quy định hiện hành, nhất là chú trọng tăng thêm nguồn lực phát triển cho thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục