Trên thế giới hiện nay vẫn còn khoảng 214 triệu phụ nữ chưa được đáp ứng nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Mỗi ngày vẫn có hơn 800 phụ nữ tử vong liên quan đến thai sản do các nguyên nhân có thể phòng tránh được.
Đâu đó trong các hoàn cảnh chiến tranh hoặc thảm họa, vẫn có hàng triệu phụ nữ không được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hoặc các dịch vụ đảm bảo việc sinh nở an toàn.
[Cần Thơ: Cứu sống thai nhi bị dây rốn bám màng hiếm gặp]
Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo “Tình trạng Dân số thế giới năm 2019,” được Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) công bố tại buổi Lễ kỷ niệm Ngày dân số thế giới 11/7 với chủ đề “25 năm sau Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển: Thúc đẩy tiến độ nhằm hiện thực hóa những nội dung đã cam kết,” diễn ra ngày 10/7, tại Hà Nội.
Theo báo cáo, mặc dù thế giới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn rất nhiều công việc phải thực hiện và rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua để có thể hiện thực hóa các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị về sân số và phát triển ở Cairo, Ai Cập và cũng là góp phần thực hiện một số chỉ tiêu trong Chương trình Nghị sự Phát triển bền vững vào năm 2030.
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đã và đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững với mong muốn đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững đã đề ra. Chương trình nghị sự và những mục tiêu này tập trung vào việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân, đồng thời đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau.
UNFPA đã xây dựng kế hoạch chiến lược mới nhằm hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 và củng cố cam kết của mình tới Chương trình hành động ICPD và cam kết của mình trong việc đạt được ba kết quả chuyển đổi vào thời điểm năm 2030.
Đó là các kết quả như: Không còn tử vong mẹ liên quan đến thai sản do các nguyên nhân có thể phòng tránh được; Không còn nhu cầu nào chưa được đáp ứng về Kế hoạch hóa gia đình; Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn cho hay, những năm qua, quy mô dân số tại Việt Nam đã giữ được ổn đinh, tuy nhiên mức sinh thay thế có sự các khau giữa các tỉnh, vùng miền. Điển hình như nơi có mức sinh thay thế ở mức thấp như Thành phố Hồ Chí Minh (1,6%), trong khi một số vùng khó khăn tỷ lệ sinh cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nếu không làm chính sách về vấn đề này tốt và điều chỉnh kịp thời, Việt Nam sẽ dư thừa rất nhiều nam thanh niên trong thời gian tới, dẫn tới thiếu cô dâu giống “kịch bản” lặp lại của các nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc. Vì vậy, cần tập trung thực hiện các mục tiêu dân số và phát triển.
Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện 11 hành động ưu tiên được nêu trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng các nước châu Á-Thái Bình Dương về dân số và phát triển. Các nội dung bao gồm xóa đói, giảm nghèo, việc làm, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dịch vụ và quyền, vị thành niên và thanh niên.
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định các Mục tiêu phát triển bền vững sẽ không hoàn thành nếu không có các đáp ứng toàn toàn diện đối với các quyền và công bằng của con người, sức khỏe tình duc và sức khỏe sinh sản, phát triển thanh niên, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, giáo dục, an ninh, cơ hội việc làm, kinh tế tăng trưởng và tất nhiên đó là cuộc sống hạnh phúc của tất cả mọi người.”
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng xác nhận cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam đối với Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển và Mục tiêu phát triển bền vững./.