Các chuyên gia cho rằng nghệ thuật biểu diễn là một trong những ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam đang có lợi thế. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Các chuyên gia cho rằng nghệ thuật biểu diễn là một trong những ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam đang có lợi thế. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Ứng dụng công nghệ để phát triển công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đang đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP cả nước; mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7%.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo đảm tính khả thi, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa.

Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia cần xác định rõ lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên đầu tư nguồn lực để tránh dàn trải đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong kỷ nguyên mới.

Cần tập trung nguồn lực toàn xã hội

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đã đặt ra 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035, trong đó, Chương trình này đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%.

Chương trình được đánh giá là góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

buihoaison-nghisy.jpg
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về vấn đề này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, môi trường đồng bộ, thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

Theo ông Sơn, Nhà nước cần triển khai và thực hiện tốt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; có các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và địa vị pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là cho các dự án sáng tạo và khởi nghiệp.

Tiếp theo là đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa bằng cách xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng văn hóa, như nhà hát, bảo tàng, trung tâm văn hóa và các khu vui chơi giải trí chất lượng cao; phát triển hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo, như mạng internet tốc độ cao, các nền tảng trực tuyến và công nghệ tiên tiến.

Là chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhiều năm, ông Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường đào tạo chuyên sâu cho các nghệ sỹ, nhà sáng tạo và nhân viên trong ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm cả kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ; hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và cập nhật các xu hướng mới nhất trong ngành.

vnp_thudo1.jpg
Việt Nam có nền tảng di sản văn hóa đặc sản, là nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Tôi tin tưởng rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á. Mục tiêu này có thể đạt được trong vòng 10-20 năm tới, với những chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm của toàn xã hội,” ông Sơn khẳng định.

Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng để công nghiệp văn hóa thực sự phát triển như kỳ vọng, sẽ không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước, mà còn cần huy động cả nguồn lực xã hội.

Do vậy, rất cần quy định rõ những cơ chế, chính sách đặc thù để kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực này.

Bà Nga khẳng định việc tháo gỡ những khó khăn về cơ chế cần phải được đặt lên hàng đầu, bởi chỉ khi có cơ chế thông thoáng, phù hợp, công nghiệp văn hóa ở nước ta mới có động lực thực sự để phát triển.

nguyenvietnga.jpeg
Tiến sỹ Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, Tiến sỹ Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng nhiệm vụ về phát triển công nghiệp văn hóa được quy định trong Chương trình còn sơ sài và mang tính chất “điểm danh.”

Theo đó, để phát triển đồng đều tất cả 12 lĩnh vực là điều không hề dễ dàng bởi có những lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng có lĩnh vực chúng ta còn đang “chập chững” những bước đầu tiên.

“Với nguồn lực và ngân sách thực tế của nước ta hiện nay, rất cần phải rà soát một cách kỹ lưỡng, cụ thể để xác định những lĩnh vực trọng tâm của công nghiệp văn hóa để tập trung phát triển, tạo sức bật. Đặc biệt cần quan tâm đến việc phát triển những lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam chúng ta như: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn dân gian, thủ công mỹ nghệ, nhiếp ảnh,” bà Nga nêu quan điểm.

congnghiepvanhoa.JPG
BUP_0570.JPG
BTM06463.jpg
Nghệ thuật biểu diễn là ngành được ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách rộng rãi và hiệu quả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng nêu một giải pháp quan trọng khác là tăng cường ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thực hiện số hóa các giá trị văn hóa truyền thống và sáng tạo các giá trị văn hóa số, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa.

Công nghệ 'dẫn lối' văn hóa

Trên nhiều diễn đàn, các chuyên gia đã đề cập đến việc ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh-triển lãm… để phát triển công nghiệp văn hóa như một lẽ tất yếu của quá trình phát triển.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng chúng ta đang sống trong xã hội số, vì vậy, rất cần ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, nghiên cứu, quảng bá di sản. Việc sử dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ hiện đại khác để tạo ra trải nghiệm du lịch số hấp dẫn, giúp du khách có thể khám phá các di sản văn hóa một cách sinh động, chân thực.

nghe-6117.jpg
Vật phẩm nghê bằng đồng thau gắn chip NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đơn cử, từ đầu năm 2024, linh vật nghê (Văn Miếu) trong văn hóa cổ truyền Việt Nam đã được xây dựng phiên bản bằng đồng thau gắn chip NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn). Từ mã chip này, công chúng có thể truy cập thông tin chi tiết về công trình nghiên cứu “Nghê nơi cửa Khổng, sân Trình” của Tiến sỹ Trần Hậu Yên Thế.

Cùng hướng đi này, dự án Số hóa Hoàng thành Thăng Long đã được tiến hành từ năm 2021, sử dụng công nghệ quét 3D và AR/VR/XR (thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường/thực tế ảo mở rộng) tạo ra các mô hình 3D chi tiết của khu di tích, cho phép du khách tham quan và tìm hiểu về lịch sử và kiến trúc của Hoàng thành.

Gần đây nhất, dự án Định danh số và triển lãm số các cổ vật triều Nguyễn, sử dụng blockchain (công nghệ chuỗi khối) và NFC để định danh và quản lý các cổ vật triều Nguyễn được thực hiện tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Khách tham quan có thể dùng điện thoại thông minh quét chip gắn trên cổ vật, tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D cổ vật trên không gian số museehue.vn.

460243002_841539824820388_6559195100874890914_n.jpg
Không gian triển lãm số, trưng bày 3D đang được ứng dụng rộng rãi, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho công chúng. (Ảnh chụp màn hình)

Nền tảng này đã đón nhận hàng nghìn lượt truy cập, tương tác ngay trong tháng đầu ra mắt, hơn hẳn số lượng du khách tham quan trực tiếp trong cùng khoảng thời gian.

Mô hình “kinh tế di sản” mới sẽ tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị kinh tế cao, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa.

vnp_huy nguyen.png
Tổng Giám đốc công ty Phygital Labs Huy Nguyễn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Huy Nguyễn, Tổng Giám đốc Phygital Labs, ứng dụng công nghệ số có thể tạo nguồn thu từ việc bán vé tham quan triển lãm số; sản xuất và phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao có chứng thực của các hiện vật di sản; tiến đến giao dịch các phiên bản số của hiện vật di sản trên chợ số, hay chợ vật lý số.

Khi đã được định danh và xác thực, các hiện vật được trưng bày dưới dạng triển lãm số, cho phép du khách từ mọi nơi trên thế giới tham quan qua công nghệ thực tế ảo, không chỉ quảng bá di sản văn hóa toàn cầu dễ dàng mà còn tạo ra nguồn thu nhập bổ sung thông qua việc bán vé tham quan online.

Một hướng đề xuất mở tiếp theo là việc tạo ra và giao dịch các phiên bản số của hiện vật di sản trên chợ số, hay chợ vật lý số, ứng dụng công nghệ blockchain để đảm bảo tính xác thực và an toàn của giao dịch. Điều này giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo ra mô hình kinh tế số trong công nghiệp văn hóa.

Đơn cử như mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chủ trì phối hợp với Phygital Labs và Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng triển khai giải pháp du lịch trải nghiệm đa tương tác tại Hải Vân Quan. Theo đó, Hải Vân Quan được số hóa bản đồ du lịch 3D, kiến tạo hành trình khám phá văn hóa qua các câu chuyện và nhiệm vụ check-in tại 9 địa điểm đặc biệt.

Theo đó, bản đồ này mở ra khả năng khám phá từ xa, cho phép người dùng tương tác với 9 điểm di tích quan trọng của Hải Vân Quan ở bất cứ đâu trên thế giới. Ngoài ra, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để chạm vào bảng check-in gắn chip NFC tại các điểm tham quan, từ đó truy cập ngay thông tin về từng khu vực, sự kiện lịch sử và giá trị văn hóa của mỗi điểm.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn cho rằng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, văn hóa càng cần được chú trọng phát triển để không bị đi sau nhiều lĩnh vực hiện đại khác.

“Chúng ta cũng cần động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nên việc ứng dụng công nghệ mới là bước chuyển để nâng tầm giá trị nền văn hóa dân tộc,” ông Sơn nói./.

Screenshot (45).png
Cổ vật cung đình Huế trên không gian số. (Ảnh chụp màn hình)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục