Bác sỹ chuyên khoa 2 Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ung thư đang là một trong những bệnh lý gia tăng hàng đầu tại Việt Nam và tiếp tục là gánh nặng cho gia đình, xã hội và hệ thống y tế Việt Nam.
Đó là nhận định của bác sỹ chuyên khoa 2 Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17, tổ chức ngày 4/12.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát và nghiên cứu của các bác sỹ Bệnh viện Ung bướu Thành phố, trong giai đoạn 2008-2012 có gần 34.600 trường hợp ung thư mới được phát hiện. Ở nam giới, các ung thư đứng hàng đầu là phổi, gan, đại-trực tràng, dạ dày và vòm hầu. Ở nữ giới là ung thư vú, cổ tử cung, đại-trực tràng, phổi và tuyến giáp.
Các ung thư hàng đầu này đều tăng nhanh sau 40 tuổi. Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo người dân sau 40 tuổi cần khám và tầm soát định kỳ để có thể phát hiện sớm các ung thư thường gặp.
Khảo sát của Tổ chức Globocan cho thấy, các ca ung thư mới và tử vong gần đây xảy ra nhiều ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số ca ung thư mới được ghi nhận gia tăng hàng năm. Số liệu năm 2012 ghi nhận có khoảng 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 ca tử vong do ung thư.
Theo giáo sư, bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, qua các kết quả nghiên cứu, có khoảng 1/5 số người mắc ung thư trên thế giới là do các tác nhân gây nhiễm như virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra. Vì vậy, việc tìm ra các tác nhân gây bệnh có vai trò rất quan trọng trong việc giúp phòng ngừa các bệnh ung thư.
Chẳng hạn, vi khuẩn Helicobacter Pylori gây ung thư dạ dày, nếu loại bỏ vi khuẩn bằng kháng sinh trị liệu đúng cách có thể ngừa được căn bệnh này. Virus gây viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C từ lâu được khẳng định là nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây ung thư gan. Việc uống rượu, ăn thức ăn nhiễm độc tố aflatoxin có trong nấm mốc góp phần làm ung thư gan phát triển gấp 60 lần.
Tuy nhiên, nếu mỗi người có thể chủng ngừa vắcxin viêm gan siêu vi B, C, sẽ giúp phòng ngừa hữu hiệu căn bệnh này. Tương tự, các bác sỹ cũng đã tìm ra mối liên quan giữa ung thư cổ tử cung và virus gây bướu gai (Human Papilloma virus - HPV) và thuốc chủng ngừa căn bệnh này được xem là giải pháp quan trọng giúp phòng ngừa 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho biết, hiện nay, nhân lực trong ngành ung thư còn hạn chế nên phải tăng cường các biện pháp truyền thông để người dân tham gia các chương trình khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc ung thư, từ đó sẽ giúp điều trị kịp thời các bệnh về ung thư.
Mới đây, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ có quy hoạch phát triển mạng lưới phòng chống các bệnh ung thư ở Việt Nam và quy hoạch các cơ sở xạ trị để phòng chống ung thư ở Việt Nam.
Năm nay, ngành ung thư trong nước đã ghi nhận nhiều tiến bộ mới trong phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị ung thư. Đã có nhiều khoa ung thư được thành lập tại các bệnh viện đa khoa của các tỉnh, thành; Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều đưa vào hoạt động toàn diện, khoa Nội Ung bướu vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa vào hoạt động…
Các phương tiện chẩn đoán mới được đưa vào sử dụng một cách rộng rãi như máy chụp cắt lớp phát xạ phát hiện ung thư (PET-CT), máy xạ trị gia tốc, máy mô phỏng…
Các phương pháp phẫu thuật và xạ trị không chỉ hướng đến việc điều trị khỏi bệnh mà còn hướng đến chất lượng sống và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh; bệnh nhân có thể tiếp cận các thuốc hóa trị và thuốc nhắm trúng đích mới hơn ngay tại Việt Nam./.