Phát triển sản xuất cây dược liệu là hướng quan trọng giúp đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân và cung cấp nguyên liệu để sản xuất thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chọn cây dược liệu chủ lực quốc gia, còn các địa phương phải lựa chọn cây dược liệu phù hợp với địa phương mình và ưu tiên phát triển trên cơ sở căn cứ từ nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp nghiên cứu cây dược liệu phù hợp với thị trường sẽ được Bộ hỗ trợ nghiên cứu và có chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết giữa nông dân-doanh nghiệp.
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại Hội nghị phát triển cây dược liệu ở Việt Nam do Bộ này vừa tổ chức sáng nay (ngày 26/2), tại Hà Nội.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay, lĩnh vực sản xuất dược liệu vẫn phải nhập nhiều, trong khi dược liệu trong nước dù có tiềm năng nhưng lại đang có xu hướng giảm. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, cây dược liệu Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên chính “sân nhà." Vì vậy, cần liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng các chuỗi mới phát triển thành công cây dược liệu đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Theo kết quả điều tra sơ bộ đã ghi nhận nước ta có khoảng 4.000 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc.
“Hiện nay, nhu cầu sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng được bào chế từ các cây dược liệu có nguồn gốc tự nhiên ngày càng tăng nên nhu cầu sử dụng cây dược liệu là rất lớn. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể thực sự trở thành lợi thế, có giá trị hiện hữu, nếu chúng ta kết hợp hài hòa giữa khai thác với việc duy trì, bảo vệ tái sinh chúng. Vì vậy cần có chiến lược phát triển cây dược liệu một cách phù hợp,” Phó Cục trưởng Nguyễn Như Cường nói.
Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco, trước nhu cầu về dược liệu ngày càng tăng nhưng nguồn dược liệu trong nước chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu sử dụng. Riêng khối lượng dược liệu được Trapaco sử dụng trong những năm gần đây khoảng 3000 tấn và tăng trưởng 10% mỗi năm.
“Tuy nhiên, thực trạng chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu trên thị trường còn nhiều bất cập như dược liệu nhập không rõ nguồn gốc, không rõ tiêu chuẩn, không có phiếu kiểm nghiệm, quá trình trồng trồng trọt dược liệu trong nước chủ yếu tự phát, chưa có quy hoạch, nhiều cơ sở trồng trọt còn sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu,” bà Thuận cho biết.
Trước tình hình đó, doanh nghiệp này cũng kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về quỹ đất, thuế, nguồn vỗn giúp doanh nghiệp, nông dân hình thành và phát triển các vùng trồng dược liệu lớn và tập trung theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Đồng thời, các địa phương có chính sách khuyến khích nông dân nuôi trồng dược liệu phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và hướng đến xuất khẩu; thành lập trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống dược liệu và kiểm tra chất lượng dược liệu./.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các địa phương trong cả nước, hiện nay tổng diện tích cây dược liệu tự nhiên và gieo trồng có khoảng 15.000ha; trong đó diện tích cây dược liệu dài ngày khoảng 10.000ha, dược liệu ngắn ngày khoảng 5.000ha.