Ủy ban Kinh tế cho ý kiến dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Một số đại biểu cho rằng muốn tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp không nên có chương về doanh nghiệp Nhà nước.
Ủy ban Kinh tế cho ý kiến dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Để chuẩn bị Báo cáo thẩm tra các dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, sáng 6/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ 10 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Trong phiên làm việc sáng 6/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày về Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), với những dự án đổi mới trong dự luật như thành lập và đăng ký doanh nghiệp, tổ chức quản trị các loại hình doanh nghiệp, tổ chức mô hình doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xã hội...

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này nhằm tạo động lực mới cho các doanh nghiệp trong các giai đoạn tiếp theo, người dân có thể kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Sau phiên họp này, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII sắp tới.

Tại phiên họp, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được các đại biểu đánh giá là đã thể hiện sự tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, một số điều khoản của Luật chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu khả thi, gây cản trở và làm tăng thêm chi phí tuân thủ đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp… cần phải luật hóa tối đa những quy định mà thực tiễn đòi hỏi, hạn chế các quy định hướng dẫn để tạo sự thống nhất, đặc biệt quan tâm đến yếu tố công khai, minh bạch.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chỉ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc Luật khẳng định doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm là một quy định tiến bộ, đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Để làm được điều này, ông Kiêm cho rằng Chính phủ cần nêu rõ những gì pháp luật cấm để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.

Một số đại biểu cũng cho rằng muốn tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng, không nên có chương về doanh nghiệp Nhà nước, ở đây cần có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ kéo dài trong 2 ngày (6-7/5), ngoài việc cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu sẽ thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục