Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong phòng chống dịch bệnh COVID-19

Các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc và những quốc gia khác vốn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc là chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất.
Công nhân kiểm tra linh kiện điện tử tại một nhà máy ở huyện Đào Viên, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày 20/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng thehill.com đưa tin trên thế giới hiện đã có hơn 82.000 người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và gần 3.000 người thiệt mạng vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2, gọi tắt là COVID-19.

COVID-19 cũng đã khiến nền kinh tế toàn cầu dự kiến sụt giảm 280 tỷ USD trong quý 1/2020.

Rõ ràng, dịch bệnh này là thứ mà không ngành nghề hay khu vực nào có thể miễn nhiễm. Các doanh nghiệp ở khắp mọi nơi lao đao vì COVID-19.

Các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc và những quốc gia khác vốn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc là chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất.

[Liệu kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi giai đoạn hậu COVID-19?]

Các thị trường châu Á hứng chịu thiệt hại chưa từng có. Nhiều hãng hãng không phải hủy các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục. Chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple bị đình trệ, trong khi hệ thống bán lẻ chững lại đáng kể.

Quyết định cấm các chuyến du lịch tới Trung Quốc của Saudi Arabia khiến nhiều đại lý du lịch và hãng hàng không chịu thiệt hại lớn.

Trong khi đó Maersk - nhà vận tải hàng đầu thế giới - cũng đã phải hủy tới 50 chuyến hàng tới châu Á, và ngân hàng đầu tư Goldman-Sachs cho rằng các doanh nghiệp Mỹ sẽ không thể tăng trưởng trong năm 2020. Danh sách này có lẽ sẽ còn kéo dài.

Theo nhận định của tiến sỹ Ifeanyi M. Nsofor, Giám đốc điều hành EpiAFRIC, phụ trách chính sách và các vấn đề về luật của tổ chức Theo dõi Y té Nigeria, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức được rằng việc bỏ tiền đầu tư cho việc phòng chống và phản ứng trước dịch bệnh là điều đặc biệt có ý nghĩa với doanh nghiệp, đồng thời là “khoản đầu tư” có thể đem lại lợi nhuận cao.

Trên thực tế, giờ là lúc các doanh nghiệp cần có những đóng góp hiệu quả trong việc phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, để đảm bảo thế giới có được sự chuẩn bị tốt hơn trong tương lai.

Trong bài viết được The Hill đăng tải, tiến sỹ Ifeanyi M. Nsofor đã chỉ ra một số biện pháp mà các doanh nghiệp có thể thực hiện.

Cần thiết nhất là việc các doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho quỹ khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chỉ tính riêng từ tháng 2-4/2020, tổ chức này cần tới 61,5 triệu USD để chuẩn bị cho phương án khẩn cấp và ứng phó kịp thời.

Tuy nhiên, WHO chỉ nhận được 1,45 triệu USD viện trợ tiền mặt và các cam kết 29,95 triệu USD khác.

Cụ thể, Cộng hòa Séc, Ireland, Slovakia và tổ chức Giải pháp Cứu trợ Sinh mạng đã đóng góp tiền mặt, trong khi đó một số tổ chức và quốc gia khác như Quỹ Bill and Melinda Gates, Canada, Liên minh châu Âu, Pháp, Nhật Bản, Na Uy và Anh cam kết sẽ có những khoản hỗ trợ cụ thể.

Ngoài ra, chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào đóng góp hay có những hứa hẹn tương tự, kể cả các "tập đoàn tỷ đô" như Alphabet, Apple, Amazon hay PetroChina. Đây là điều cần thay đổi. Lấy ví dụ, các doanh nghiệp tư nhân đã có công trong việc hỗ trợ Nigieria ứng phó dịch Ebola năm 2014.

Doanh nhân giàu nhất châu Phi Aliko Dangote và Ngân hàng Thống nhất châu Phi đã quyên góp tới 3 triệu USD và 1 triệu USD cho Liên minh châu Phi, giúp tổ chức khu vực này kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần hỗ trợ các cơ quan y tế công trong việc chuẩn bị ứng phó dịch bệnh. Chi phí xây dựng và vận hành các phòng thí nghiệm không hề nhỏ, trong khi việc nghiên cứu và chẩn đoán lại là yếu tố đặc biệt cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Những hỗ trợ này có thể tiến hành thông qua việc đầu tư cho các viện y tế công nhằm xây dựng các phòng thí nghiệm nhằm nhanh chóng xác định dịch bệnh hoặc điều chế thuốc và vắcxin.

Lấy ví dụ, thông qua hoạt động của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigieria (NCDC) với sự giúp đỡ của các đối tác, Nigeria đã có 4 phòng thí nghiệm phục vụ việc nghiên cứu dịch bệnh. Tuy nhiên, con số này vẫn là chưa đủ để ứng phó với các đại dịch tại một quốc gia với hơn 200 triệu người.

Vì vậy, NCDC cùng các viện y tế công vẫn cần sự hậu thuẫn của doanh nghiệp tư nhân để mở rộng và cải thiện mạng lưới các phòng thí nghiệm này.

Thứ ba, các doanh nghiệp tư nhân cần đầu tư cho các chương trình y tế cơ bản tại những khu vực hẻo lánh và xa xôi trên thế giới khi họ làm ăn tại đây. Việc hỗ trợ các nhân viên y tế cộng đồng sẽ giúp cải thiện nhận thức của người dân và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Thứ tư, các doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh bằng cách hỗ trợ bảo đảm kho chứa vắcxin và vận chuyển vắcxin, bởi một trong những cách hiệu quả giúp ngăn ngừa dịch bệnh là hệ thống tiêm chủng định kỳ và đầy đủ.

Vắcxin sẽ mất hiệu quả nếu không được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp. Việc vận chuyển vắcxin cũng không đơn giản do hệ thống đường sá tại các quốc gia không có chương trình tiêm chủng đầy đủ.

Đây là khía cạnh mà các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đóng góp một vai trò mạnh mẽ hơn.

Những doanh nghiệp đa quốc gia và các công ty xây dựng, đặt tại một số khu vực hẻo lánh trên thế giới có thể hỗ trợ việc bảo quản vắcxin bằng cách quyên góp những thiết bị bảo quản và thùng lạnh dùng năng lượng mặt trời, hoặc thậm chí là trang bị cho các trung tâm y tế nguồn năng lượng tái tạo này.

Cuối cùng, các doanh nghiệp tư nhân có thể hỗ trợ việc đào tạo các nhân viên y tế bằng việc thanh toán chi phí này.

Đây là lực lượng đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và phản ứng với dịch bệnh và họ cần được đào tạo cũng như trang bị đầy đủ nhằm theo dõi và có khả năng ứng phó phù hợp. Giờ không phải là lúc để sợ hãi hay lo ngại.

Tiến sỹ Ifeanyi M. Nsofor nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp tư nhân cần tham gia công tác ngăn chặn dịch bệnh đang hoành hành, và giờ cũng là lúc để người ta bắt tay vào việc chuẩn bị ứng phó cho các dịch bệnh trong tương lai.

COVID-19 chắc chắn không phải là dịch bệnh lây lan cuối cùng. Đã đến lúc thế giới cần thận trọng và không được phép lơi là một lần nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục