Chiều 12/5, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng Tư vừa qua đạt 11.761 xe, giảm 39% so với tháng trước.
Trong tổng doanh số bán hàng trên có 7.796 xe du lịch, giảm 40%; 3.652 xe thương mại, giảm 36% và 313 xe chuyên dụng, giảm 16% so với tháng trước.
Xét về xuất xứ xe, trong khi xe ôtô sản xuất lắp ráp trong nước có doanh số bán 7.400 xe, giảm 38% thì doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 4.361 xe, giảm 40% so với tháng trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA là 64.100 xe các loại, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 46.089 xe ôtô du lịch, giảm 37%; 16.769 xe thương mại, giảm 30% và 1.242 xe chuyên dụng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng xét theo xuất xứ xe, trong 4 tháng đầu năm nay, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước giảm 33% và xe nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, doanh số bán hàng trên chưa thể hiện hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi còn có sự góp mặt của các thương hiệu khác như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo, VinFast, TC MOTOR…
Một số đơn vị này không phải là thành viên VAMA hoặc là đơn vị thành viên, nhưng tạm dừng gửi báo cáo hoặc không tiết lộ doanh số bán hàng.
[Doanh số bán xe máy và ôtô của Honda Việt Nam giảm đến 72%]
Chỉ tính riêng TC MOTOR (đại diện thương hiệu Hyundai Thành Công) - đơn vị không phải là thành viên VAMA trong tháng Tư vừa qua có doanh số bán hàng 2.206 xe, nâng tổng doanh số bán hàng trong 4 tháng đầu năm của đơn vị này lên 17.568 xe các loại.
Dựa trên số liệu bán hàng được công bố chính thức từ VAMA và TC MOTOR, dẫn đầu thương hiệu ôtô bán nhiều xe nhiều nhất tại thị trường Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục là Toyota khi tiêu thụ được 2.803 xe, TC Motor 2.206 xe, Mazda 1.329 xe, Kia 1.318 xe, Mitsubishi 876 xe, Honda 834 xe, Ford 702 xe…
Sở dĩ doanh số bán hàng trong tháng Tư vừa qua và trong 4 tháng đầu năm nay giảm mạnh là do tháng đầu năm trùng với tháng Tết Nguyên đán nên có rất ít giao dịch mua bán xe trong khoảng thời gian này.
Đặc biệt, trong tháng 4 cũng là quãng thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy sản xuất ôtô ở trong nước phải tạm dừng sản xuất từ ngày 1/4 đến ngày 22/4 và các đại lý bán xe cũng phải đóng cửa để đảm bảo giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Quãng thời gian giãn cách xã hội này kéo dài khoảng 3 tuần và hầu như không có hoạt động mua bán xe. Sau khi hết giãn cách xã hội, các hoạt động mua bán trở lại nhưng cũng chỉ trong những ngày còn lại của tháng Tư vừa qua nên doanh số bán hàng giảm cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, để có doanh số bán hàng như trên, nhiều hãng xe cùng các đại lý đã thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá bán xe hay tặng quà giá trị cho khách hàng để kích cầu doanh số.
Giới chuyên môn cũng nhìn nhận, thị trường ôtô Việt Nam có thể “ấm” trở lại từ tháng Năm này nếu không có những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 diễn ra trong nước, nhưng doanh số tăng trưởng cũng rất “khiêm tốn.”./.