Vấn đề Ukraine và Hy Lạp nổi bật trong ngày họp đầu tiên của G7

Hai nội dung khủng hoảng nợ của Hy Lạp và vấn đề Ukraine, tuy không phải là nội dung chính, song được hầu hết các nhà lãnh đạo G7 đề cập đến trong các phát biểu của mình.
Vấn đề Ukraine và Hy Lạp nổi bật trong ngày họp đầu tiên của G7 ảnh 1Các nhà lãnh đạo G7 thảo luận tại Hội nghị ngày 7/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong ngày họp đầu tiên (7/6) của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, các nhà lãnh đạo G7 đã tiến hành thảo luận một số chủ đề bao gồm kinh tế; thương mại và các tiêu chuẩn; chính sách an ninh và đối ngoại.

Hai nội dung khủng hoảng nợ của Hy Lạp và vấn đề Ukraine, tuy không phải là nội dung chính, song được hầu hết các nhà lãnh đạo G7 đề cập đến trong các phát biểu của mình.

Phóng viên TTXVN đưa tin từ Trung tâm báo chí quốc tế Hội nghị G7 cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã đạt được nhất trí về việc thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Việc đàm phán sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới để có thể đạt được một kết quả cụ thể vào cuối năm nay.

Về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker kêu gọi Hy Lạp nhanh chóng đưa ra những đề xuất cải cách mới, đồng thời cho biết ông sẽ gặp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vào giữa tuần tới để thảo luận về khủng hoảng nợ của Athens.

Liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Obama cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Moskva nếu Thỏa thuận hòa bình Minsk được triển khai theo đúng kế hoạch.

Ngược lại, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Donald Tusk ám chỉ có thể siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.

Một sự kiện bên lề nhưng thu hút được nhiều chú ý là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron thảo luận về quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm.

Tại cuộc gặp, người đứng đầu Nhà Trắng đã đề nghị Anh tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu (EU), bởi điều đó sẽ có tác động tích cực tới EU cũng như cả thế giới.

Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng Cameron cho biết Anh sẽ cử thêm 125 chuyên gia huấn luyện quân sự tới Iraq, nâng tổng số quân nhân Anh tại nước này lên 900 người.

Phần lớn các chuyên gia mới sẽ tham gia huấn luyện cho quân đội Iraq, hướng dẫn việc phát hiện và rà phá bom, chất nổ do các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cài đặt.

Theo kế hoạch tại Elmau, Tổng thống Obama và Thủ tướng Cameron sẽ gặp Tổng thống Iraq Haider al-Abadi để thảo luận việc tiếp tục hỗ trợ Baghdad chống IS.

Trước khi khai mạc hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Chủ đề bao trùm cuộc gặp là quan hệ song phương và chính sách với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như các chủ đề sẽ được các nhà lãnh đạo G7 bàn thảo trong hai ngày làm việc ở Elmau.

Dự kiến, trong ngày họp thứ hai 8/6, Hội nghị sẽ đề cập vấn đề chống biến đổi khí hậu. Sau đó, các nhà lãnh đạo G7 sẽ tiến hành đối thoại mở rộng với các đại diện đến từ châu Phi và Arab, trong đó có nội dung về y tế và chống khủng bố.

Hội nghị sẽ bế mạc chiều cùng ngày với một tuyên bố chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.