Không “chanh chua,” hậu đậu như những vai diễn trên sân khấu, truyền hình, Vân Dung gây bất ngờ cho người đối diện bởi vẻ dịu dàng, từ tốn.
Người nghệ sỹ ấy kể, nhiều người gặp chị lần đầu tiên đều thốt lên: “Vân Dung đây ư! Sao chẳng có điểm gì giống với những vai hài mà chị diễn vậy?”
“Đã làm thì phải làm cho tới!”
- Chưa bao giờ khán giả thấy Vân Dung vào vai chính kịch. Chị sợ điều gì chăng?
Vân Dung: Không! Tôi chẳng sợ gì cả. Lý do đơn giản chỉ là mình không thấy hứng thú và thấy điều đó không hợp với mình thôi.
Tôi quan niệm, cái gì mình phải thích, đam mê thì mới làm tốt và thành công được; đã làm thì phải làm cho tới!
- Theo chị, điều gì là quan trọng nhất đối với một nghệ sỹ khi bước ra sân khấu?
Vân Dung: Để thể hiện thành công một vai diễn trên sân khấu, người nghệ sỹ cần chuẩn bị rất nhiều (từ trang phục đến diễn xuất…); nhưng theo tôi, cảm hứng là điều quan trọng nhất.
Tôi tin rằng, nếu đã không thích, không có hứng thú thì dù chăm chỉ luyện tập đến đâu, khi lên sân khấu, diễn viên cũng sẽ rất khó để có thể diễn thành công. Mọi việc sẽ rất gượng ép, cứng nhắc.
- Vậy cảm hứng trong những vai diễn của Vân Dung thường đến từ đâu?
Vân Dung: Thực ra, với tôi, cứ lên sân khấu là hứng thôi! Với một vai diễn, tôi có thể diễn cả nghìn đêm như nhau. Có những vai đã diễn từ cách đây cả chục năm rồi, nhưng nếu cho diễn lại, tôi tin rằng, mình vẫn sẽ diễn được như thế. Cảm xúc không bao giờ “tụt mất.”
- Chị có nghĩ điều này có được là nhờ năng khiếu diễn hài của mình?
Vân Dung: Cũng có thể là như vậy! Tôi vẫn nghĩ, nếu muốn làm nghệ thuật thực sự thì mỗi người cần xác định xem mình có năng khiếu, khả năng và đam mê hay không.
Với nghệ thuật, không phải cứ chăm chỉ là có thể thành công. Nếu ai không thực sự có năng khiếu mà vẫn cứ cố “lao” vào thì sẽ vô cùng vất vả.
Với người có năng khiếu, họ có thể tiến được cả trăm bước trong một lần. Còn với những người không có năng khiếu, khi chăm chỉ luyện tập, kết quả sẽ là: Hôm nay, họ có thể tiến được một bước, mai tiến được ba bước nhưng rồi ngày kia lại cũng có thể tụt lùi đi hai bước. Họ cứ đi mãi, đi rất chậm trên một con đường và mãi không tạo được sự bứt phá.
Bởi thế, tôi nghĩ, đã xác định làm nghệ thuật chuyên nghiệp thì buộc phải có năng khiếu. Năng khiếu chiếm 70% khả năng thành công; còn chăm chỉ chỉ chiếm khoảng 30%. Những ai vừa có năng khiếu vừa chăm chỉ, đam mê thì là điều tuyệt vời!
Tất nhiên, tôi không nói đến những người nổi tiếng bằng scandal. Đó là con đường khác, không phải nghệ thuật chân chính.
- Chị nghĩ sao khi giới showbiz ngày càng có nhiều scandal?
Vân Dung: Thực ra, vấn đề nào cũng nên nhìn một cách toàn diện: Có những scandal là do người ta cố tình tạo ra nhưng cũng có những trường hợp là do vô tình.
Những nghệ sỹ không may bị rơi vào “bão” như vậy cần được cảm thông. Những người cố tính tạo scandal mới đáng bị phê phán.
Nghệ sỹ hài không hài hước!
- Nhắc tới Vân Dung là người ta nói đến những vai diễn chanh chua, hậu đậu. Khi trở về với đời thường, chị tự nhận thấy mình thế nào?
Vân Dung: Vân Dung trong cuộc sống và Vân Dung của những vai hài hoàn toàn khác nhau.
Ngoài đời, tôi không hề hài hước chút nào. Khi về đến nhà, sự hóm hỉnh trên sân khấu hầu như không còn nữa. Tôi trầm tính hơn rất nhiều. Khá nhiều người (kể cả một số thành viên trong gia đình) thắc mắc về điều này. Họ bảo: “Sao trên sân khấu, Vân Dung vui thế, nói nhiều thế mà về nhà, cả ngày không thấy nói cười gì mấy?”
Tôi không thích sự ồn ào, xô bồ. Thay vào đó, tôi thích những không gian yên tĩnh, thích đi chùa, đi đền.
Tôi thích nấu nướng, mời bạn bè đến nhà ăn uống nhưng không thích đi nhảy đầm, không thích đi hát karaoke… (cười)!
- Vậy, khi hóa thân vào những nhân vật hoàn toàn khác với con người thật của mình ngoài đời như vậy, chị làm cách nào để có thể diễn tốt?
Vân Dung: Tôi nghĩ, không phải bản thân mình là người thế nào ngoài đời thì mới có thể diễn được những vai diễn có tính cách tương tự.
Để diễn tốt, trước hết, diễn viên phải có cá tính. Thứ hai, mình phải biết quan sát, quan tâm đến những hoàn cảnh xung quanh xem người ta khóc, cười, vui, buồn, phản ứng trước các tình huống... ra sao; từ đó, vận dụng vào vai diễn của mình. Ví dụ, một bà cụ bán hàng cao tuổi khi bực tức sẽ có những biểu hiện rất khác với một cô nàng tiểu thư con nhà giàu!
Trường lớp chỉ dạy những cách diễn cơ bản. Để nhập vai, diễn cho chân thật và để khán giả nhớ đến mình thì người nghệ sỹ phải biết quan sát và cảm nhận cuộc sống. Nếu chỉ áp dụng những lý thuyết như trong sách vở thì diễn sẽ rất khô cứng và người xem chắc chắn sẽ cảm thấy rất khó chịu.
“Táo quân: Khắt khe nhất nhưng cũng vinh quang nhất”
- Cuối năm thường là dịp các nghệ sỹ rất bận rộn chương trình biểu diễn nghệ thuật. Vậy chị chuẩn bị Tết cho gia đình thế nào?
Vân Dung: Thực ra, mọi chuyện cũng không quá phức tạp khi chúng ta biết cách sắp xếp thời gian, công việc một cách khoa học. Hàng ngày, nếu chúng ta đều thu xếp thời gian dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, ngăn nắp thì khi đến Tết sẽ không quá tất bật.
Tôi không cầu kỳ trong việc trang trí nhà cửa mỗi khi Tết đến. Thông thường, gia đình tôi mua một cây quất, một cành đào và một vài món đồ trang trí khác mang không khí Tết (như thiệp, bóng đèn màu...). Việc mua sắm này cũng chỉ diễn ra trong một buổi.
Nói chung, trong công việc hay cuộc sống, tôi hầu như không bao giờ bị cuống vì đều sắp xếp, lên kế hoạch trước. Ví dụ, trong việc mua sắm, tôi không bao giờ mua lắt nhắt. Bao giờ Vân Dung cũng có một quyển sổ nhỏ, viết tất cả những thứ cần mua rồi đi mua một thể.
Một tuần tôi đi chợ đúng một lần và mua tất cả mọi thứ từ những cái lặt vặt như cái tăm, quả ớt... đến đồ ăn của gia đình trong một tuần. Làm như vậy sẽ vừa đỡ tốn thời gian vừa không bị sót đồ.
- Mỗi khi tập “Táo quân” với những đòi hỏi khắt khe về thời gian, chất lượng chương trình… có làm ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chị và gia đình không?
Vân Dung: “Táo quân” đặt ra những đòi hỏi cao, gắt gap hơn so với các chương trình khác rất nhiều. Khắt khe nhất, vất vả nhất là “Táo quân” nhưng vinh quang nhất, vui sướng nhất cũng là “Táo quân.”
“Táo quân” có bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm chúng tôi phải tập vào ban đêm. Vào thời điểm nước rút, chúng tôi phải tập thâu đêm (bắt đầu tập vào khoảng 2 giờ chiều và kết thúc vào khoảng 5 giờ sáng). Mọi người chỉ tranh thủ ngủ khoảng vài tiếng buổi sáng.
Tuy nhiên, vào thời gian tập “Táo quân,” việc thi học kỳ của con đã kết thúc, chuyện mua sắm Tết cho gia đình cũng đã lên kế hoạch trước nên mọi chuyện không quá cập rập, áp lực.
- Chương trình "Táo quân" đề cập đến những câu chuyện liên quan tới nhiều vị quan chức (ví dụ như các Bộ trưởng chẳng hạn). Khi diễn, chị có cảm thấy áp lực không?
Vân Dung: Những câu chuyện đó đều đã được báo chí, truyền thông nhắc đến rất nhiều rồi. Chúng tôi chỉ tập hợp lại và thể hiện theo cách diễn của nghệ sỹ cho công chúng xem.
Chúng tôi không diễn cô này, bác kia hay một nhân vật nào cụ thể. Chúng tôi chỉ thể hiện các vai diễn của mình trên sân khấu thì không có gì phải áp lực cả. Nếu run thì lý do là vì: Không biết mình diễn vai đó có hay, thành công như mong đợi của khán giả hay không?
- Trân trọng cảm ơn chị!