Sáng 27/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Hồi giáo Iran tổ chức tọa đàm “Vai trò của Văn học Ba Tư và Saadi trong việc mở rộng ngoại giao văn hóa giữa Iran và Việt Nam.”
Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, còn gọi là Ba Tư, là một quốc gia thuộc vùng Trung Đông, phía Tây châu Á, rộng gấp gần 5 lần Việt Nam, dân số trên 60 triệu người, xuất khẩu dầu lửa đứng thứ 4 thế giới và có truyền thống văn hóa, văn học lâu đời, giàu bản sắc.
Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Hà Nội Alvandi Behineh cho biết, Iran và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Hai bên đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển quan hệ du lịch, giáo dục, khoa học, văn hóa… nhưng vẫn còn rất nhiều những tiềm năng để mở rộng.
Việc làm quen với ngôn ngữ và văn học của hai quốc gia không chỉ rất hữu ích trong việc phát triển quan hệ văn hóa, có giá trị đối với việc giao lưu giữa giới trí thức mà còn cả nhân dân hai nước.
Cho đến nay đã có 10 suất học bổng được trao cho sinh viên Việt Nam. Bộ Nghiên cứu và Công nghệ Iran đã chấp thuận trao thêm 10 suất học bổng nữa ở các trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong những năm gần đây, mối quan hệ văn hóa-văn học giữa hai nước đã có bước đi ban đầu rất đáng ghi nhận, kể từ việc dịch văn học Ba Tư qua trung gian một ngoại ngữ thứ ba tiến đến hình thành đội ngũ các dịch giả có thể dịch từ tiếng Ba Tư sang tiếng Việt.
Ban đầu chỉ có được vài tác phẩm nhỏ lẻ, những đến nay, đến việc giới thiệu tương đối hệ thống văn học Iran ở Việt Nam, bao gồm truyện dân gian, thơ cổ, thơ ngụ ngôn, tiểu thuyết hiện đại.
Gần đây, công trình dịch thuật bề thế hơn xuất hiện như tuyển tập ''Thơ cổ Ba Tư'' in năm 2011, ''Thơ ngụ ngôn Ba Tư,'' ''Con Cú mù'' in năm 2012 được bạn đọc Việt Nam tiếp nhận, đánh giá cao.
Làm quen với thơ của Đại thi hào Saadi Shirazi của Iran, giới nghiên cứu văn học đã bước đầu chỉ ra tính tương đồng với các tác giả cổ điển hàng đầu của Việt Nam như Hoàng đế-thiền sư-thi sỹ Trần Nhân Tông, nhà thơ-anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi, nhà thơ triết lý thế sự Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đại thi hào Nguyễn Du.
Gần đây nhất, tháng 3/2015, Viện Văn học đã thực hiện số chuyên san trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học về Đại thi hào Saadi Shirazi, danh nhân văn hóa Iran xuất sắc của mọi thời đại.
Giới thiệu về Đại thi hào Saadi Shirazi và di sản văn học Iran ở Việt Nam tuy chỉ mới là những bước đi ban đầu nhưng cũng góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, giao lưu và hợp tác giữa hai quốc gia, mở ra triển vọng về chuyên ngành nghiên cứu so sánh văn hóa-văn học giữa Iran và Việt Nam./.