Văn minh thương mại: Bước chuyển mình từ các doanh nghiệp bán lẻ

Hà Nội phấn đấu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%. Cùng đó, giao dịch mua hàng trên website hoặc ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 65%.
Văn minh thương mại: Bước chuyển mình từ các doanh nghiệp bán lẻ ảnh 1Việc tăng tiện ích trong các dịch vụ mua sắm đã tạo lợi thế trong việc thu hút khách hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kỹ năng về giao tiếp, bán hàng chuyên nghiệp, các dịch vụ và tiện ích thanh toán ngày càng hiện đại… đã được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ quan tâm và chú trọng đẩy mạnh đầu tư.

Điều này không chỉ tạo chỗ đứng vững chắc trong việc giữ chân các khách hàng mà hơn nữa, đó chính là yếu tố quan trọng nhằm nâng tầm thương hiệu cho chính doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Tăng trải nghiệm cho khách hàng

Đại dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân người tiêu dùng, buộc doanh nghiệp cũng phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân.

Vì vậy, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.

Đáng chú ý, các dịch vụ đi kèm bán hàng cũng được nhà bán lẻ đầu tư kỹ càng hơn nhằm tăng tiện ích mua sắm, cũng như thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng khi đến với doanh nghiệp.

Đại diện Winmart, cho biết nhằm nâng chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp đã phát triển dịch vụ đi chợ hộ nhắm đến đối tượng khách hàng không thể đi chợ thường xuyên được, ví dụ như người cao tuổi hay phụ nữ công sở bận rộn.

Hơn nữa, dịch vụ khách hàng còn được thể hiện ở thái độ và sự chuyên nghiệp của nhân viên được khách hàng đánh giá cao. Chính những dịch vụ này cùng với chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh đã giúp cho Winmart kinh doanh thành công.

Còn theo ông Đoàn Phi Long, chủ một chuỗi cửa hàng tiện ích tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), việc thay đổi cách nhận diện chỉ là về hình thức, còn việc tập trung vào chất lượng dịch vụ cũng như yếu tố con người mới thật sự quan trọng.

Đây cũng là "bí quyết" mà doanh nghiệp của ông gây dấu ấn với khách hàng trong đại dịch COVID-19 hai năm vừa qua, khi nhiều "thượng đế" không thể trực tiếp tới mua hàng thì chỉ cần vào zalo, facebook hoặc website của đơn vị để chọn sản phẩm, sau đó hàng hóa sẽ được chuyển đến tận tay người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất thậm chí còn được miễn phí vận chuyển.

Trong những năm gần đây, nhằm tối đa các dịch vụ đến với khách hàng, từng bước hiện đại hóa lĩnh vực bán lẻ, nhiều địa phương và doanh nghiệp còn tập trung đầu tư máy bán hàng tự động.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, với nhiều tiện ích cho cả người dùng và nhà đầu tư, máy bán hàng tự động có thể bán nhiều sản phẩm khác nhau và tối ưu hóa diện tích trưng bày sản phẩm, kích thước nhỏ gọn và không kén chọn vị trí đặt máy, giúp việc mua bán hàng hóa trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.

Hơn nữa, sản phẩm bên trong máy luôn được bảo quản ở điều kiện tốt nhất và thường xuyên được bổ sung lượng hàng mới, giá ổn định, phục vụ 24/7…

“Hệ thống máy bán hàng tự động được kỳ vọng là phù hợp với quốc gia có lượng khách du lịch nước ngoài nhiều như Việt Nam, tạo được hình ảnh đẹp và thân thiện trong mắt những du khách và hơn thế nữa, thay thế hàng rong vỉa hè,” bà Đinh Thị Mỹ Loan nói.

Công nghệ tiếp tục thay đổi ngành bán lẻ

Có thể thấy, nếu như trước đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ dừng lại ở việc sử dụng thẻ ATM hoặc các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, thì nay người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh để quản lý tài khoản và thanh toán nhanh chóng bằng các giải pháp như xác thực sinh trắc học vân tay, khuôn mặt.

Tính năng thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code) cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn vì tính thuận tiện, đơn giản của hình thức này. Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán không tiếp xúc được nhiều cửa hàng, đơn vị áp dụng.

Ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc AEON Long Biên, cho biết tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt của AEON Việt Nam đã tăng tương đối. Trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ này đạt gần 50% và mục tiêu của AEON thời gian tới là có lượng khách hàng không dùng tiền mặt đạt trên 50%.

Ngoài ra, theo ông Đàm Mạnh Tuấn, hiện tại AEON Long Biên có sử dụng các Kios, hệ thống quầy thu ngân không dùng tiền mặt, tốc độ thanh toán nhanh gấp 4 lần so với thanh toán dùng tiền mặt. Khách hàng sẽ được thanh toán online, VN Pay, quét mã QR cũng như sử dụng quẹt thẻ ATM. Ngoài ra cũng có quầy Kios tự động chọn món và tự thanh toán.

“Nhờ có các quầy thu ngân này, tốc độ xử lý các đơn hàng mua sắm đã được đẩy nhanh, đồng thời người tiêu dùng không cần mang theo tiền mặt khi đi mua sắm,” đại diện AEON Long Biên chia sẻ thêm.

Văn minh thương mại: Bước chuyển mình từ các doanh nghiệp bán lẻ ảnh 2Hàng hóa dồi dào tại các kênh bán lẻ hiện đại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như ngân hàng, trung gian thanh toán, thương mại điện tử, bán lẻ, giao nhận... trong việc tích cực phát triển thêm nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo nhiều nền tảng dễ sử dụng cũng như nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng. Thói quen sử dụng tiền mặt khi thanh toán sẽ dần được thay thế.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, hiện đơn vị đã triển khai đến các Ban Quản lý chợ truyền thống, đồng thời đưa các doanh nghiệp đến giới thiệu hình thức thanh toán này đến với bà con tiểu thương. Để từ đó, bà con tiểu thương kinh doanh khi có khách hàng đến, có thể giới thiệu hoặc vận động khách hàng thanh toán qua ứng dụng thanh toán trực tuyến.

Theo báo cáo của Hà Nội, thành phố phấn đấu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%; giao dịch mua hàng trên website hoặc ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 65%; website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 75%.

Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 45%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 35%.

Đồng thời, Hà Nội cũng duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc. Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%.

Có thể thấy, sự chuyển mình của các xu hướng bán lẻ trong thời đại mới và sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong hiện tại cùng các dự báo cho tương lai đang đòi hỏi ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam vừa cần nhanh chóng tận dụng thời cơ, vận hội, vừa có sự chuẩn bị cho các đối sách trước những thách thức mới, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

"Cách duy nhất để các nhà bán lẻ cạnh tranh và tiến lên phía trước là liên tục thích ứng với ngành công nghiệp bán lẻ thay đổi, biến động không ngừng với các công nghệ mới nhất,” bà Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.