Vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất: Cần gỡ bỏ rào cản lớn nhất

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chính sách cho vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất thời gian qua chưa có nhiều doanh nghiệp đón nhận do thủ tục còn chặt chẽ, khó tiếp cận.
Công nhân dệt may phải giãn ca do thiếu đơn hàng vì COVID-19. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Công nhân dệt may phải giãn ca do thiếu đơn hàng vì COVID-19. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Cho vay vốn lãi suất 0%/năm để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 là một trong những chính sách hỗ trợ quan trọng của Chính phủ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Năm 2020, Chính Phủ đã bố trí 16.000 tỷ đồng để triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn. Năm 2021, chính sách này tiếp tục triển khai theo Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ vay vốn được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ chân lực lượng lao động. Thế nhưng trong thực tế, việc giải ngân lại không hiệu quả, số lượng doanh nghiệp được vay vốn ít hơn nhiều so với kỳ vọng khiến Chính phủ đang phải xem xét sửa đổi về điều kiện cho vay. Đây cũng được coi là rào cản lớn nhất khiến đồng vốn chính sách chưa đến được tận tay doanh nghiệp và người lao động.

Gói hỗ trợ 23.500 tỷ, giải ngân 429 tỷ

Nếu như gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 mới chỉ giải ngân được 42 tỷ đồng, tương đương 0,25% thì gói 7.500 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP đang triển khai đến nay cũng chỉ giải ngân được 387 tỷ đồng, tương đương 5,2%. Dự báo cho thấy trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó giải ngân và chắc chắn không đạt yêu cầu, với các điều kiện hiện nay.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chính sách này thời gian qua chưa có nhiều doanh nghiệp đón nhận. Nguyên nhân là do họ quan niệm đây là việc vay tiền để trả lương cho người lao động, không phải là chính sách hỗ trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Mặt khác, thủ tục tuy đã giảm nhưng còn khá chặt chẽ dẫn đến việc không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ này.

Chỉ ra vướng mắc của doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp phải không có nợ xấu mới được vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, ông Nguyễn Văn Quyền-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết dịch COVID-19 đã kéo dài gần 2 năm, trong khi thời gian cơ cấu nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ được dưới 12 tháng, dẫn dến một số doanh nghiệp đã hết thời gian cơ cấu nợ phải chuyển sang nợ xấu. "Vì vậy, quy định này có thể khiến một số doanh nghiệp bị thiệt thòi, không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của Chính phủ," ông Quyền nói.

Vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất: Cần gỡ bỏ rào cản lớn nhất ảnh 1Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang được vay vốn trả lương phục hồi sản xuất hoạt động trở lại. (Ảnh: TTXVN)

Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Quyền, quy định doanh nghiệp phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 là quy định không rõ ràng dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau. Các ngân hàng có thể căn cứ vào quy định yêu cầu chỉ những doanh nghiệp đã được cơ quan thuế kiểm tra quyết toán tại doanh nghiệp mới được vay vốn. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì việc kiểm tra quyết toàn thuế tại doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành thuế, không phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị bỏ điều kiện “doanh nghiệp phải không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn” đối với các doanh nghiệp vận tải, hàng không, du lịch...

Sẽ bỏ điều kiện về nợ xấu

Không chỉ Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên cả nước cũng như các địa phương đã có nhiều kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng đề nghị giảm các điều kiện tiếp cận chính sách, đặc biệt là bỏ điều kiện về có nợ xấu.

Để gỡ bỏ "rào cản" lớn nhất đối với doanh nghiệp khi tiếp cận chính sách, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa đề xuất bỏ điều điện về nợ xấu vào tờ trình, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trình Chính phủ xem xét.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, qua lấy ý kiến thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh lại điều kiện về nợ xấu như sau: “Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 23/1/2020 hoặc có khoản nợ xấu tại thời điểm trên nhưng khoản nợ đó không còn trạng thái nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn."

Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng qua thực tiễn triển khai chính sách này ở cả hai gói hỗ trợ, nếu tiếp tục duy trì các quy định như trên thì sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính, không đón nhận được sự ủng hộ của người sử dụng lao động. Vì thế, gói hỗ trợ này nhiều khả năng sẽ không thể tiếp tục giải ngân được và như vậy chính sách sẽ không đi vào cuộc sống, mục tiêu của chính sách không đạt được.

Mặt khác, theo lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chính sách đã quy định tổng kinh phí thực hiện là 7.500 tỷ đồng và sẽ dừng thực hiện khi giải ngân hết. Để tránh trục lợi chính sách thì vấn đề quan trọng là thực hiện công khai, minh bạch và giao Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường hậu kiểm.

Do vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ xem xét cho lược bỏ điều kiện về nợ xấu để tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tiếp cận chính sách và đạt mục tiêu đề ra; góp phần hỗ trợ bảo đảm đời sống người lao động, hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội./.

Tính đến ngày 23/9, tổng kinh phí các chính sách cho vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân chính sách vay vốn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP là trên 387,9 tỷ đồng, hỗ trợ 742 lượt đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho trên 111.041 lượt người lao động.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục