Vẻ đẹp kỳ bí tại ngôi chùa Nhật Bản hơn 600 tuổi trong tiết Thu

Là một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng Kanto với chiều dài lịch sử 630 năm, chùa Saijo luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái và ngắm cảnh, nhất là vào mùa Thu.

Chùa Saijo Daiyuzan trong tiết trời Thu. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)
Chùa Saijo Daiyuzan trong tiết trời Thu. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Hằng năm, cứ mỗi độ Thu về, chùa Saijo Daiyuzan, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) lại khoác lên mình một tấm áo mới mang vẻ đẹp vừa kỳ bí, vừa linh thiêng, vừa thanh tịnh.

Là một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng Kanto với chiều dài lịch sử 630 năm, chùa Saijo luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái và ngắm cảnh, nhất là vào mùa Thu.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, chùa Saijo Daiyuzan được khởi công xây dựng vào ngày 10/3/1394 bởi vị Thiền sư Ryoan Emyo.

Tương truyền Thiền sư Ryoan Emyo xuất thân là một địa chủ nhưng đã xuất gia đi tu tại một ngôi chùa ở thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa, trong thời kỳ nội chiến loạn lạc.

Trải qua nhiều năm tu hành khổ hạnh ở nhiều chùa khác nhau của Nhật Bản, ở tuổi 50, Thiền sư đã trở lại Sagami (tên cũ của tỉnh Kanagawa ngày nay) để tu thiền.

Theo dân gian kể lại, vào khoảng năm 1393, khi vị Thiền sư này đang tọa thiền ngoài trời thì một con đại bàng lớn đã quắp lấy chiếc áo tu hành của ông, bay vào vùng núi Ashigara và để lại trên một cây thông lớn.

Vị Thiền sư cho rằng đây là một cơ duyên đặc biệt với Phật giáo nên đã ngồi thiền dưới gốc cây thông này, quả nhiên chỉ ít phút sau chiếc áo đã rơi xuống choàng lên người ông. Đây là lý do vị Thiền sư này quyết định xây dựng chùa Saijo Daiyuzan sau đó một năm.

Ngôi chùa rêu phong hàng trăm năm được bao quanh bởi những cây cổ thụ khổng lồ, một dòng suối nhỏ chảy róc rách quanh năm.

Đây được xem là điểm đến lý tưởng của những người yêu thích bộ môn thiền định không chỉ giúp an định nội tâm mà mang lại cho người thực hành sức khỏe lành mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Du khách thập phương có thể đăng ký trải nghiệm thiền định, chép kinh Phật và thưởng thức các món ăn chay của chùa Saijo Daiyuzan.

Điểm đặc biệt khác của ngôi chùa này là nơi đây trưng bày rất nhiều đôi guốc gỗ (tiếng Nhật là “geta”), thường được các vị tu hành Nhật Bản sử dụng, trong đó có đôi guốc đã được ghi nhận là đôi guốc lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, mùa Thu là “thời điểm vàng” để du khách đến thăm đền Saijo Daiyuzan với những cây phong lá đỏ và cây lá vàng có tuổi đời hàng trăm năm, mang lại trải nghiệm rất đặc biệt cho khách tham quan, nhất là vào buổi tối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.