Vì sao mở cửa thị trường vẫn là chiến lược dài hạn của Trung Quốc?

Ngày 20/11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) rằng Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc gia nhập CPTPP.
Vì sao mở cửa thị trường vẫn là chiến lược dài hạn của Trung Quốc? ảnh 1Công nhân sản xuất tại một phân xưởng ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng HK01 của Hong Kong nhận định một trong những điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm nhất thời điểm hiện nay là các chính sách đối với Trung Quốc của ứng cử viên đang giành được nhiều lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ Joe Biden. Điều này không chỉ định hình quan hệ Mỹ-Trung trong vài năm tới mà còn có tác động đáng kể đến tình hình quốc tế.

Cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chứng tỏ rằng một mình Mỹ không thể đơn phương ép Trung Quốc nhượng bộ về các quy định kinh tế và thương mại quốc tế.

Dư luận thế giới nhìn chung tin rằng trái ngược với chiến thuật cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump là một mình chống lại Trung Quốc, ông Biden sẽ hợp tác với các đồng minh để mở rộng mặt trận kinh tế và tìm cách tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP, tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ban đầu được đề xuất dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama nhằm mục đích thu hút các nước đối tác của Mỹ ở Vành đai Thái Bình Dương tham gia mạng lưới thương mại xuyên Thái Bình Dương.

Nhưng khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, ông đã thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ và rút khỏi các cuộc đàm phán TPP. Sau đó, các nước còn lại dưới sự lãnh đạo của Nhật Bản đã ký Hiệp định CPTPP mà không có sự tham gia của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, nếu ông Biden lựa chọn đàm phán lại để gia nhập CPTPP cũng là điều hợp lý. Do Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết và bản thân Mỹ luôn chịu sự áp đặt khuynh hướng chủ nghĩa bảo hộ của cử tri, Washington càng cần phải tái gia nhập CPTPP.

Điều bất ngờ hơn đối với dư luận quốc tế là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chưa ngã ngũ thì Trung Quốc đã ra tay trước để làm tốt việc "quản lý rủi ro."

Ngày 19/11, trong một cuộc họp báo, Bộ Thương mại Trung Quốc đã úp mở bày tỏ khả năng gia nhập CPTPP. Hôm sau, ngày 20/11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) rằng Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc gia nhập CPTPP.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng tuyên bố rằng mục tiêu của Nhật Bản là mở rộng quy mô của CPTPP, rõ ràng là đáp lại ý định của Trung Quốc một cách thiện chí.

Có thể nói, thay vì tìm cách chống lại sự bao vây của CPTPP, Trung Quốc có thể lựa chọn tham gia Hiệp định này. Kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc thời gian qua cho thấy một trong những lý do chính khiến Trung Quốc vẫn có thể đứng vững đến thời điểm này đó là nền kinh tế nước này có sự hội nhập cao với thế giới.

Những người có quan điểm cứng rắng đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump đã làm mọi thứ có thể để "tách rời" khỏi Trung Quốc, nhưng họ đã thất bại bởi thực tế hội nhập toàn cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ở mức độ cao.

Trong bối cảnh đó, nhận thức về chiến lược của Trung Quốc đối với CPTPP chắc chắn dựa trên một logic đó là "bất kỳ tổ chức đa phương cởi mở nào cũng sẽ tham gia."

[Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU]

Chiến lược này có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Nói cách khác, tại sao Trung Quốc có thể tiếp tục chủ trương tham gia các hiệp định thương mại đa phương khác nhau, nhưng Mỹ thì luôn bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ, thậm chí đến thời chính quyền Tổng thống Trump đã xảy ra "làn sóng rút khỏi các hiệp định."

Suy cho cùng, liệu một quốc gia có chính sách mở cửa hay bảo hộ thương mại, đó không chỉ là vấn đề ngoại giao, mà thực tế là vấn đề kinh tế. Ngành sản xuất của Mỹ thiếu khả năng cạnh tranh quốc tế, sản lượng cũng chỉ ngang các nước phát triển khác, chỉ có các sản phẩm công nghệ cao mới duy trì được vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên, không thể để một hiệp định thương mại chỉ bao gồm các sản phẩm công nghệ cao. Do đó, mỗi khi Mỹ muốn tham gia hiệp định thương mại thì sẽ gặp phải lực cản lớn trong nước.

Ngay cả Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), một hiệp định thương mại tự do đã được ký kết từ lâu và có lợi thế địa-chính trị rất lớn đối với Mỹ, cũng liên tục bị công kích trong nước. Đây là lý do tại sao Tổng thống Trump khi đương nhiệm lại lựa chọn thúc đẩy lại Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản 2.0 của NAFTA.

Mặt khác, mức độ phát triển của Trung Quốc vốn thấp hơn nhiều so với Mỹ, nhưng khả năng cạnh tranh về giá thành sản xuất của Trung Quốc lại cao hơn so với các nước phát triển. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc mất nhiều năm để xây dựng khiến ngành chế tạo của Trung Quốc vẫn có thể cạnh tranh với các khu vực kém phát triển hơn.

Điều quan trọng hơn, Trung Quốc đã sớm có sự cảnh giác với các nước phương Tây và hiểu rằng các doanh nghiệp và nền kinh tế phải tồn tại trong cạnh tranh thương mại quốc tế là định hướng phát triển kinh tế lâu dài của đất nước.

Mặc dù việc tham gia hiệp định thương mại tự do có những thuận lợi và khó khăn đối với các ngành nghề khác nhau ở Trung Quốc, nhưng khắc phục hạn chế và trụ lại là cách tốt nhất để duy trì hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời đó cũng là một phần quan trọng của phát triển kinh tế.

Theo quan điểm này, cho dù cuộc đấu tranh Mỹ-Trung có phát triển như thế nào, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược "mở cửa" để đối phó với sự bao vây, kiềm chế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.