[Video] Chân dung nghệ nhân khôi phục dòng gốm cổ xưa của Việt Nam

Biết bao mẻ gốm thất bại, bao lần pha chế men gốm không thành, thế nhưng nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông vẫn kiên trì giải mã bằng được những bí truyền của tiền nhân kết tinh trong gốm cổ Luy Lâu.

Tinh hoa của dòng gốm dân gian Luy Lâu tưởng chừng đã bị quên lãng cùng những lò nung nguội lạnh cả ngàn năm, nay lại hồi sinh mạnh mẽ dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông.

Sinh ra tại vùng quê Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh, mảnh đất có truyền thống văn hóa và nghệ thuật dân gian lâu đời nên tình yêu dành cho gốm đã sớm nảy nở trong ông từ khi nào không hay.

Khôi phục một làng nghề đã thất truyền 300 năm không phải là điều đơn giản, bởi vậy hàng chục năm qua nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã lặn lội khắp nơi để tìm tòi, học hỏi về gốm Luy Lâu.

Biết bao mẻ gốm thất bại, bao lần pha chế men gốm không thành nhưng ông vẫn kiên trì giải mã bằng được những bí truyền của tiền nhân kết tinh trong gốm cổ Luy Lâu.

Khôi phục được dòng gốm Luy Lâu đã là khó, nhưng làm thế nào để tiếp tục bảo tồn được lại là một vấn đề nan giải. Bởi theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông, để học được cách làm gốm Luy Lâu, người nghệ nhân làm gốm phải “quên hết” cách làm của các dòng gốm khác. Chính vì thế mà đến nay, sau hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông vẫn còn ngày ngày trăn trở…

Gốm ở thời nào cũng có vai trò rất quan trọng, đánh dấu sự phồn thịnh của cả một thời đại. Còn gốm Luy Lâu không chỉ thể hiện những điều đó, mà còn là văn hóa của tâm linh người Việt cổ, có nét riêng của dân tộc. Bởi thế mà những người nghệ nhân như ông Nguyễn Đăng Vông càng thêm gắn bó, khát khao bảo tồn để dòng gốm này tiếp tục trường tồn trong dòng chảy đương đại.

(Vietnam+)